Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân từ sớm, từ xa
Tại Kỳ họp thứ 07, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn TP. Hà Nội đánh giá cao việc trong dự thảo luật này đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho biết, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều thành lập quỹ tài chính để phục vụ cho lĩnh vực này. Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp, cơ chế đặc thù vượt trội, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị có ý nghĩa chiến lược.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đắk Nông cho biết, qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, đại biểu đồng tình với quy định về chế độ chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh, tuy nhiên trong quá trình triển khai, thi hành luật, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đắk Nông có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. |
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai có ý kiến:
Một là, về chuyển nguồn ngân sách. Qua nghiên cứu các nội dung về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, tôi thấy dự thảo cần bổ sung quy định về việc cho phép chuyển nguồn ngân sách trong trường hợp ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ đặc biệt thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ đặt hàng đấu thầu chưa thực hiện được hoặc chưa sử dụng hết.
Đây là nội dung đã được quy định tại một số nghị định của Chính phủ về quản lý ngân sách, tuy nhiên việc giao và cấp phát ngân sách thường được thực hiện vào thời điểm giữa năm, do vậy rất khó cho các đơn vị được giao ngân sách thực hiện khảo sát, tìm kiếm nguồn hàng, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ký hợp đồng trước 31/12 hằng năm để đủ điều kiện chuyển nguồn sang năm sau. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù về nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao nên mất rất nhiều thời gian, vì vậy khó khả thi và nếu chỉ cho phép chuyển nguồn không quá 1 năm thì các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng sẽ không thể triển khai thực hiện được tiến độ. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần quy định thêm thời gian hợp lý để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Hai là, về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo Điều 22 dự thảo luật. Đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ sự đồng tình đối với việc thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Việc quy định thành lập quỹ là thể chế hóa chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ba là, về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Chương IV dự thảo. Dự thảo luật trình kỳ họp lần này đã đề xuất, bổ sung nhiều chính sách đặc thù vượt trội về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh, như cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp được hưởng những chính sách vượt trội so với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp Điều 13, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công Điều 61; ngoài ra được Nhà nước hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh không đảm bảo đủ lương và các khoản phụ cấp cho người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, viên chức quốc phòng và sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân, công an. Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, tôi đồng tình với quy định này, tuy nhiên trong quá trình triển khai, thi hành luật, đại biểu đề nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách.
Bốn là, về nghiên cứu đặc thù của các dự án, chương trình trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh tại luật này và quy định về các nhóm dự án nhóm A của Luật Đầu tư công. Đại biểu đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, rà soát danh mục dự án nhóm A tại Luật Đầu tư công, đối chiếu với các dự án thực tế triển khai để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.
“Hiện nay, có nhiều dự án quốc phòng, an ninh có quy mô rất nhỏ, có thể chỉ khoảng vài chục tỷ đồng nhưng theo quy định đều là dự án nhóm A phải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Điều này sẽ phải triển khai các thủ tục đầu tư lâu hơn những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh hoặc do các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt đầu tư có thể xác định là chương trình dự án đầu tư công được phân nhóm theo tổng mức đầu tư như các dự án thông thường khác. Đối với những dự án có quy mô tổng mức đầu tư không lớn có thể giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực công nghiệp, quốc phòng, an ninh. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung Điều 83 dự thảo luật nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công về dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư”, đại biểu Dương Khắc Mai chia sẻ.
“Một đất nước đã từng bị xâm lăng, đô hộ về thời gian tính bằng nghìn năm, trăm năm và ròng rã nhiều chục năm trời; trải qua từng giai đoạn lịch sử, nhân dân chìm trong lầm than, trong mất mát, đau thương. Ngày nay, để thực hiện khát vọng hùng cường, chúng ta cần ưu tiên nguồn lực tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại để đủ sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ nhân dân từ sớm, từ xa” - đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.