Thứ tư 07/05/2025 23:23

Xã hội hóa nâng tầm hàng bình ổn giá

Từ 2 doanh nghiệp (DN) tham gia với số vốn 45 tỷ đồng từ tiền ngân sách cấp Tết 2002, sau 14 năm thực hiện, đến nay chương trình bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh đã được xã hội hóa, đủ lực để điều tiết giá cả thị trường.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa kiểm tra hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.op mart TP. Hồ Chí Minh

Chương trình hàng bình ổn giá năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 của TP. Hồ Chí Minh thực hiện trên 4 lĩnh vực (lương thực, thực phẩm, dụng cụ học sinh và thuốc uống) với 86 DN tham gia, lượng hàng bình ổn tăng 15 - 30% so với năm 2015, trong đó, giá trị hàng bình ổn hơn 6.800 tỷ đồng.

Từ chỗ ban đầu chỉ có khoảng 30 điểm bán hàng bình ổn giá, đến nay, trên toàn thành phố đã có 10.140 điểm bán. Theo kế hoạch, các DN sẽ phát triển thêm 248 điểm bán hàng bình ổn trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 và tăng cường bán hàng lưu động 120/chuyến/tháng. Riêng 2 tháng cao điểm trước tết, các DN sẽ thực hiện 307 chuyến, tập trung đưa hàng đến các huyện vùng ven, khu lưu trú công nhân...

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, điều khác biệt của chương trình bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh so với 14 năm trước là được xã hội hóa, không còn sử dụng vốn ngân sách, đây là năm thứ 4 thực hiện chính sách này.

10 ngân hàng thương mại cho DN vay 12.900 tỷ đồng (tăng 1.050 tỷ đồng so năm 2015) với 3 gói tín dụng, trong đó 6.350 tỷ đồng vốn vay lưu động ngắn hạn 12 tháng, lãi suất 5 - 6%/năm để tạo nguồn lực kinh doanh; 2.950 tỷ đồng dành cho chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, vay ngắn hạn 12 tháng, lãi suất 5 - 8%/năm; 3.600 tỷ đồng cho vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối, lãi suất 8,5 - 9%/năm.

Hiện nay, chương trình hàng bình ổn giá đã được triển khai trên 50 tỉnh, thành phố của cả nước, cho thấy hiệu ứng tích cực của chương trình nhờ được xã hội hóa. Các DN tích cực hơn, chủ động liên kết sản xuất, mở rộng mạng lưới bán lẻ...

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) Nguyễn Phúc Khoa thông tin, Tết Đinh Dậu 2017, Satra sản xuất 21.300 tấn hàng hóa, trị giá trên 1.590 tỷ đồng, tăng 29,1% so với Tết Bính Thân 2016. Lượng hàng bình ổn giá như gạo, thịt, thực phẩm chế biến, đường, dầu ăn… đều tăng. Hiện Satra đã có 145 điểm bán hàng bình ổn. Ông Khoa khẳng định: Tham gia chương trình hàng bình ổn giá bây giờ không còn là nhiệm vụ chính trị là điều tiết giá cả thị trường nữa mà đây đã trở thành một kênh bán hàng ổn định và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.

Đồng hành cùng với chương trình hàng bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh ngay từ đầu, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thị Huân chia sẻ, thời điểm mới tham gia chương trình, số lượng hàng tham gia rất ít, nhiều khi thiếu hàng vì công ty bị động, điểm bán chưa nhiều. Hiện nay, hàng bình ổn là chuỗi kinh doanh chiếm doanh thu lớn của Ba Huân, không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh mà còn cung cấp cho các tỉnh miền Tây Nam bộ. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Ba Huân cung cấp bình quân 4 triệu trứng gia cầm/ngày, tăng gấp đôi ngày thường, công ty đã dự trữ đủ hàng để cung cấp cho người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Marketing Saigon Co.op Võ Hoàng Anh, tổng lượng hàng cung ứng cho Tết 2017 của Saigon Co.op là hơn 110.000 tấn, tăng 15% so với tết năm trước, riêng lượng hàng bình ổn tăng 5 - 30%. Hàng nghìn mặt hàng bình ổn giá hiện nay đã có mặt trên toàn hệ thống của Saigon Co.op và nguồn hàng luôn dồi dào nhờ hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất. Ông Võ Hoàng Anh nhìn nhận, hàng bình ổn giá ngày nay luôn được người tiêu dùng đón nhận do mẫu mã phong phú, chất lượng cao và trở thành “hàng bán chạy” nhờ giá giảm hơn 5 - 10% so với giá thị trường.

Trong buổi làm việc cuối năm với UBND TP. Hồ Chí Minh về tình hình chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn thị trường Tết Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã đánh giá cao chương trình hàng bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh vì chương trình không chỉ điều tiết giá cả thị trường mà người dân có điều kiện tiếp cận được với hàng Việt chất lượng tốt, giá rẻ hơn.

Trần Thế
Bài viết cùng chủ đề: xã hội hóa