WTO nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2017
Báo cáo ước tính tăng trưởng của kim ngạch thương mại hàng hóa thế giới được tăng 3,6%. Tăng trưởng mạnh trong năm 2017 là do sự phục hồi của dòng thương mại châu Á khi các đơn hàng trong khu vực gia tăng nhanh và nhu cầu nhập khẩu ở Bắc Mỹ được phục hồi sau giai đoạn bị đình trệ năm 2016.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết: “Triển vọng thương mại được cải thiện là một tin tức tốt lành, nhưng những rủi ro đáng kể vẫn tiềm ẩn và đe dọa nền kinh tế thế giới nên cũng có thể làm suy yếu bất kỳ sự phục hồi thương mại nào”. Những rủi ro này bao gồm khả năng chuyển hóa tinh thần bảo hộ vào các hành động hạn chế thương mại, sự lo ngại gia tăng về căng thẳng địa chính trị toàn cầu và các thảm họa thiên tai. Mặc dù khó định lượng, nhưng các rủi ro này rất thực tế. Do đó, sự lạc quan ngày càng tăng về thương mại cần được thận trọng hơn. Mặt khác, sự tăng trưởng thương mại hiện nay được đồng bộ hơn giữa các khu vực so với nhiều năm qua. Kết quả tích cực này sẽ trở nên chắc chắn hơn nếu các nước tiếp tục chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa bảo hộ và cùng hợp tác với các đối tác trong hệ thống thương mại đa phương nhằm đảm bảo các lợi ích từ thương mại được chia sẻ rộng rãi. Ước tính mới về tăng trưởng thương mại thế giới năm 2017 nằm ở mức cao trong số các dự báo thương mại gần đây nhất của WTO vào ngày 12/4. Việc nâng dự báo tăng trưởng một phần là do sự cải thiện khiêm tốn về tăng trưởng GDP thế giới (2,8% năm 2017 theo tỷ giá thị trường, tăng từ 2,3% năm 2016) và phần khác là do thành phần của sự tăng trưởng đó. Tăng trưởng GDP diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong quý II, nhất là ở Trung Quốc với tăng trưởng tăng từ 1,3% của quý I (bình quân năm là 5,3%) lên 1,7% trong quý II (khoảng 7% bình quân năm). Tăng trưởng ở Hoa Kỳ từ 1,2% bình quân trong quý I lên 3% trong quý II và khu vực đồng euro từ 2,2% quý I lên 2,6% trong quý II. Những diến biến tăng trưởng này đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu, thúc đẩy thương mại trong khu vực Châu Á thông qua các chuỗi cung ứng khu vực. Nhu cầu của Trung Quốc trong quý I năm 2017 là nhờ tăng trưởng của ngành công nghiệp (6,4% về giá trị thực cho đến năm nay) và thậm chí tăng mạnh hơn về dịch vụ (7,7% so với cùng kỳ). Các điều kiện tài chính ở châu Á cũng được cải thiện so với quý I năm 2016, góp phần tạo sự tự tưởng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Báo cáo của WTO cũng phân tích sự phục hồi một phần của giá dầu năm 2017 dường như đã tạo sự hỗ trợ cho đầu tư tại Hoa Kỳ khi mà sự tăng trưởng đột ngột giảm trong năm 2016, đặc biệt lĩnh vực năng lượng, nhưng đã tăng lên trong nửa đầu năm nay. Nhập khẩu cho đầu tư có xu hướng cao hơn so với các thành phần khác của GDP, do đó sự phục hồi của chi tiêu trong lĩnh vực này có thể tác động lớn đến nhu cầu nhập khẩu. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thương mại năm 2017 sẽ không bền vững trong năm tới vì một số lý do: thứ nhất, tăng trưởng thương mại năm 2018 sẽ không được đo lường dựa trên một năm cơ sở yếu như trường hợp năm nay. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ dự kiến sẽ thắt chặt ở các nước phát triển khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất ở Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương châu Âu chấm dứt nới lỏng định lượng trong khu vực đồng euro. Ngoài ra, việc mở rộng tài khóa và tín dụng dễ dàng ở Trung Quốc chắc chắn được kiểm soát để ngăn nền kinh tế khỏi bị nóng lên. Tất cả các yếu tố này sẽ góp phần làm giảm mức độ tăng trưởng thương mại năm 2018 khoảng 3,2% (dao động theo ước tính từ 1,4% đến 4,4%).
Những chuyển đổi dự kiến trong chính sách tiền tệ ở các nước phát triển có thể gây ra những thay đổi lớn về giá cả và tỷ giá hối đoái ảnh hưởng mạnh đến các mô hình thương mại quốc tế. Việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đàm phán các thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU cũng có thể gây phiền toái đến thương mại khu vực và toàn cầu. Sự căng thẳng địa chính trị nhất là ở châu Á, có thể có những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế thế giới vốn rất khó đánh giá trước. Hơn nữa, các thảm họa thiên tai như các cơn bão ở Hoa Kỳ vừa qua có thể có tác động đáng kể nhưng tạm thời đối với thương mại trong ngắn hạn.
Báo cáo cũng cho rằng, trong dài hạn, việc tái cân bằng của nền kinh tế Trung Quốc từ sản xuất đến dịch vụ có thể cân nhắc nhu cầu nhập khẩu toàn cầu trong một thời gian. Các dịch vụ làm tăng nhu cầu nhập khẩu so với sản xuất đã chứng kiến tỷ lệ tăng giá trị gia tăng của Trung Quốc từ 43% năm 2008 lên 54% hiện nay. Mặc dù việc tái cân bằng có thể làm cho nhập khẩu của Trung Quốc ở mức khiêm tốn vừa phải, nhưng thay đổi sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn và bền vững hơn về lâu dài.