Vượt mục tiêu, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9,6%
Như vậy, mức tăng này đã vượt qua mục tiêu Chính phủ đưa ra từ đầu năm là tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trườngnội địa đã chứng minh vai trò quan trọng trong góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô đất nước.
Tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng, thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn và sôi động
Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng cuối năm diễn ra sôi động góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá tích cực so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2023 ước đạt 565,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Cụ thể, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 so với năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,1%; Đà Nẵng tăng 5,9%.
Với mức tăng của doanh thu bán lẻ như trên, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là vẫn có sự hấp dẫn rất lớn.
Số liệu từ Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017-2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gần gấp đôi mức bình quân tăng trưởng của thế giới. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được ATKearney xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2021.
Thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn |
Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là rất nhiều tiềm năng và là mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư. Do đó mới đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon cho biết, tập đoàn này đang lên lên kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn nhân sự trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024.
Cụ thể, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, Aeon Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng gần 1.500 nhân viên bán thời gian trên toàn quốc.
Mới đây, Aeon Việt Nam đã tổ chức Ngày hội tuyển dụng để tuyển dụng hơn 300 nhân sự cho nhiều vị trí nhằm chuẩn bị cho trung tâm mua sắm ở mới ở Nguyễn Văn dự kiến khai trương tại TP Hồ Chí Minh vào quý 2 năm 2024.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho biết, dự kiến sẽ tuyển dụng thêm hơn 1.000 nhân sự chuẩn bị cho kế hoạch khai trương các trung tâm và siêu thị mới trong năm 2024 tại Huế và Hà Nội.
Trong chiến lược dài hạn, lãnh đạo Aeon xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2, chỉ sau Nhật Bản, để đẩy mạnh đầu tư.
Một nhà bán lẻ lớn khác là Tập đoàn Central Retail Corporation (CRC) đầu năm nay đã công bố khoản đầu tư lớn nhất, trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027.
CRC coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. CRC đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 trên 57 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2.
Với sự hấp dẫn này, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá sẽ còn sôi động hơn nữa trong thời gian tới và sẽ tiếp tục là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng Tết
Để chuẩn bị cho mùa vàng mua sắm cuối năm - mùa đóng góp cho tăng trưởng thị trường nội địa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, đến thời điểm này, các địa phương và doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh triển khai chuẩn bị hàng hoá cho dịp Tết.
Theo Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, nguồn hàng hoá phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.
Đơn cử, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 trị giá gần 41.000 tỷ đồng. Dự báo nguồn cung của 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn Thủ đô. Sở Công Thương Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho các danh nghiệp cung ứng trên địa bàn với gần 18.000 điểm bán hàng Tết.
Dự trữ hàng hóa có đơn vị đã cao hơn 3 lần kế hoạch giao, để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
Tại An Giang, dịp Tết này có 20 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hóa hơn 1.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước.
Thời gian thực hiện kéo dài đến hết ngày 29/2/2024. Các mặt hàng bình ổn gồm hàng tiêu dùng thiết yếu do doanh nghiệp trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Tại Bình Dương, tỉnh đã chuẩn bị nguồn hàng hóa lớn phục vụ thị trường năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, các doanh nghiệp cam kết đảm bảo giá cả luôn thấp hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường theo từng thời điểm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp tham gia dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2024.
Về các doanh nghiệp, với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước – trong và sau Tết Giáp Thìn năm 2024, Saigon Co.op đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023.
Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 – 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Tại Hapro, để đảm bảo nhu cầu cho người dân Thủ đô, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn thị trường như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo,), rượu bia – nước giải khát… trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: Mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội.
Hapro còn tham gia chương trình Bình ổn thị trường từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024 tại 57 điểm bán hàng trên địa bàn TP. Hà Nội mang thương hiệu BRGMart, Haprofood/BRGMart.