Vụ lộ đề thi môn Sinh học: Lãnh đạo Cục can thiệp chỉnh sửa phần mềm?
Trong thông báo mới nhất, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết vào ngày 14/7 tới đây sẽ mở lại phiên tòa xét xử ông Bùi Văn Sâm và bà Phạm Thị My trong vụ án lộ đề môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Trước đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội dự kiến mở phiên tòa ngày 29/6, song thời gian này trùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Do đó, một số giáo viên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải tham gia coi thi.
Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, báo chí, dư luận phản ánh đề thi môn Sinh học giống 80% so với đề ôn tập trên mạng Internet |
Cho rằng những người này vắng mặt sẽ ảnh hưởng việc giải quyết vụ án nên tòa đã có thông báo hoãn phiên tòa.
Vụ án có 2 bị cáo gồm bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi, đều là cựu giáo viên) bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo quy định tại khoản 1, điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Theo cáo trạng, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, báo chí, dư luận phản ánh đề thi môn Sinh học giống 80% so với đề ôn tập trên mạng Internet của ông Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh).
Cảnh sát sau đó điều tra, xác định các bị can Sâm, My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, trong đó bà My là Tổ trưởng Tổ ra đề thi, còn ông Sâm tham gia với tư cách thẩm định. Các năm trước đó, cả 2 bị can Sâm, My đã làm việc này nên biết cách hoạt động của phần mềm “rút câu hỏi ngẫu nhiên”.
Phạm Thị My trong quá trình ra câu hỏi đã nhiều lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bị can này đã chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa cho Bùi Văn Sâm. Sau khi nhận tài liệu, Bùi Văn Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để Phạm Thị My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. 2 bị can sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.
Tiếp đến, 2 bị can sắp xếp các câu hỏi đã được biên tập vào các vị trí trong 40 ô câu hỏi của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, với mục đích để khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp. Cùng lúc, họ dùng chính những câu hỏi trên để dạy, ôn thi cho học sinh là "thân quen".
Cơ quan điều tra đánh giá, các học sinh, phụ huynh và những người giới thiệu để ông Sâm và bà My giảng dạy, ôn thi đều không biết 2 bị can đã sử dụng tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi, nên không xem xét, xử lý.
Với đề ôn tập trên mạng của ông Phan Khắc Nghệ, kết luận giám định cho thấy, tỷ lệ giống từ 70 - 100% với các câu hỏi do Sâm, My soạn thảo; một số câu trùng cả về nội dung, kiến thức và đáp án.
Theo điều tra, ông Nghệ quen Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm từ trước và trong các năm 2015 - 2018 có gửi mail cho My để hỏi về đề thi. Năm 2021, ông Nghệ nhiều lần gọi điện, nhắn tin để tìm hiểu thông tin liên quan đề thi Sinh học.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, chưa đủ căn cứ xác định My chuyển đề cho ông Nghệ và ông này giảng dạy trên mạng internet, không có giá trị truy nguyên nên chưa có căn cứ xử lý hình sự.
Cũng theo cơ quan điều tra, khác bị xác định liên quan đến vụ án là ông Sái Công Hồng - cựu Cục Phó cục Quản lý chất lượng, nay là Phó vụ trưởng vụ Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Hồng bị cho là đã yêu cầu chỉnh sửa phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi, vốn được xây dựng cơ chế hoạt động là chọn ngẫu nhiên.
Cụ thể, sau kỳ thi THPT năm 2018, ông Hồng yêu cầu cần đảm bảo tính cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn cần phải có sự liên kết.
Ông Hồng đã chỉ đạo ông Đỗ Thế Chuẩn - cán bộ Trung tâm Khảo thí quốc gia, người được giao phụ trách quản lý phần mềm, chỉnh sửa bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm.
Do vậy, phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi từ rút ngẫu nhiên chuyển sang rút các tổ hợp câu hỏi mà trong đó, các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định và kết luận, phần mềm trong máy chủ tại Trung tâm Khảo thí quốc gia có chức năng thiết lập "thứ tự xếp hạng" câu hỏi và khi xuất bộ đề thi các câu hỏi được chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, trong phần mềm xuất hiện 2 đoạn mã nguồn có chức năng thực hiện việc chọn câu hỏi không ngẫu nhiên.
Hành vi của ông Hồng bị xác định vi phạm quy chế thi nhưng phía điều tra chưa có cơ sở xác định ông này vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác nên không xử lý hình sự. Thay vào đó, cơ quan điều tra đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý trách nhiệm và rà soát quy chế, không để xảy ra sai phạm tương tự.
Theo Bộ Công an, căn cứ kết quả điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Quyết định và các Lệnh nêu trên đối với bị can Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm |