Vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng tăng 0,7%, tổng tài sản giảm 2,63%
Cập nhật về hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/1/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 1.003.601 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 217.882 tỷ đồng, tương đương với cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 543.191 tỷ đồng, tăng 0,12% so với thời điểm cuối năm 2023; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài, có tổng vốn điều lệ đạt 163.165 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã có vốn điều lệ không thay đổi so với cuối năm 2023 đạt tương ứng 45.321 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ là 7.052 tỷ đồng, tăng 0,98% so với cuối năm 2023...
Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/1/2024, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 19,545 triệu tỷ đồng, giảm 2,63% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng tài sản đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng, giảm 1,49% so với cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản đạt hơn 8,6 triệu tỷ đồng, giảm 3,87% so với cuối năm 2023…
Tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 1.003.601 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023 |
Về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của toàn hệ thống ở mức 77,87%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ là 81,31%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ là 80,88%... Tính đến tháng cuối tháng 1/2024, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%. Tỷ lệ an toàn vốn nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9,72%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%...
Được biết, trong kế hoạch kinh doanh 2024, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ, dự kiến được thông qua đại hội cổ đông trong quý 2/2024. Đơn cử Vietcombank sẽ trình đại hội cổ đông năm 2024 kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài; VietinBank lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn phân phối lợi nhuận năm 2022 trên cơ sở cơ quan quản lý nhà nước phương án phê duyệt, dự kiến xấp xỉ 11.600 tỷ đồng.
Mới đây, ngân hàng này tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng cho vay. Một ngân hàng cổ phần khác là Saigonbank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong năm 2024.
Hay BAC A BANK mới đây đã thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5%; LPBank có kế hoạch xin ý kiến cổ đông tăng vốn trong kế hoạch năm 2024; NCB dự kiến phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng, nếu thực hiện thành công vốn sẽ được nâng lên 11.800 tỷ đồng; ACB sẽ trình cổ đông chia cổ tức với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu.