Vĩnh Phúc: Nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, tạo đòn bẩy phát triển
Quy hoạch luôn đi trước một bước
Thực hiện phương châm “quy hoạch luôn đi trước một bước”, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung ưu tiên các nguồn lực để từng bước hoàn thiện các hạ tầng quan trọng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, tạo nền móng để phát triển kinh tế, xã hội và đẩy mạnh đô thị hóa.
Mới đây nhất, cầu Vĩnh Phú bắc qua Sông Lô nối hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ đã chính thức thông xe. Công trình là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh.
Lễ khánh thành cầu Vĩnh Phú bắc qua Sông Lô nối hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ |
Thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm 2023, nhiều dự án lớn, mang tính chất đón đầu cho sự phát triển đã được đầu tư và triển khai thực hiện, như: Cải tạo, nâng cấp QL2C cũ; xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, thành phố Vĩnh Yên; xây dựng 2 nút giao IC2, IC5 tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh; xây dựng tuyến giao thông kết nối Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc với hệ thống giao thông khu vực…
Hiện nay, tổng quy mô chiều dài giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 7.100km; được kết nối liên hoàn, bao gồm đường cao tốc; hệ thống các đường vành đai; đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn.
Các dự án giao thông lớn được triển khai, hoàn thành không chỉ góp phần xây dựng quy mô đô thị hiện đại, đồng bộ mà còn mang tính liên thông, liên kết các địa phương trong tỉnh cũng như kết nối tỉnh Vĩnh phúc với các tỉnh, thành phố khác, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc và thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Cùng với đó, trong công tác quy hoạch xây dựng, UBND tỉnh đã trình Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; lập Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị trên địa bàn tỉnh, gồm thành phố Vĩnh yên, Phúc Yên và 16 thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; đôn đốc hoàn thiện các đồ án quy hoạch đô thị đã có trong kế hoạch.
Tập trung nguồn lực nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thông qua công tác kiểm kê, rà soát, đánh giá điều kiện tự nhiên, các nguồn lực phát triển và nhận diện các vấn đề mấu chốt, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra các giải pháp chiến lược, chú trọng phân bổ không gian, nguồn lực nhằm triển khai quy hoạch đô thị đồng bộ, hiện đại, hiệu quả.
Hiện UBND tỉnh đang tổ chức lập Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); hoàn thiện Đề án chỉnh trang đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy ban hành chỉ thị; triển khai lập đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị hiện đại, đồng bộ để sẵn sàng thu hút đầu tư |
Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh chủ trì điều chỉnh quy định phân công, phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời sở đã hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch tại các đô thị hiện hữu và đô thị mới; hoàn thiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, Quy hoạch chung đô thị loại IV Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo. Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị gồm thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 16 thị trấn; đề án cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng, đô thị; đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; hoàn thiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Không chỉ coi trọng công tác quy hoạch đô thị, môi trường cũng là yếu tố được Vĩnh Phúc chú trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lập đề án cải thiện hệ thống thoát nước đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030. Cùng với đó, ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh; phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án Quy hoạch cấp nước đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 26/6/2023.
Trong công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI); dự thảo Kế hoạch về xây dựng Quy chuẩn môi trường địa phương. Bên cạnh đó, UBND đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường; theo dõi, hướng dẫn tiêu chí môi trường trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ đánh giá chất lượng môi trường nước; đánh giá tình hình chất thải nhựa; quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc hiện trạng môi trường... được các cơ quan chức năng triển khai theo kế hoạch.
Có thể nói, công tác quy hoạch, môi trường được Vĩnh Phúc xem là cơ sở quan trọng để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung.