Vĩnh Phúc: Công nghiệp khởi sắc, GRDP duy trì xu hướng phục hồi
GRDP quý II/2024 ước tăng 7,64%
Theo thông tin từ Cục Thống kê Vĩnh Phúc, quý II/2024, kinh tế Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo đó, tốc độ tăng GRDP ước tăng 7,64% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng đã lấy lại mức tăng trưởng hai con số, ước đạt 10,23%, đóng góp 5,38 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP quý II.
Quý II/2024, kinh tế Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi |
Theo Cục trưởng Cục Thống kê Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Hồng Phong: Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP tỉnh Vĩnh Phúc tăng 6,26%, đứng thứ 32/63 địa phương trên cả nước; đứng 9/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
"Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,05%; khu vực dịch vụ tăng 5,98%; thuế sản phẩm tăng 1,53%" - ông Nguyễn Hồng Phong cho biết thêm.
Cũng theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, quy mô GRDP địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 80,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 8,53% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Cơ cấu kinh tế trong GRDP có sự chuyển dịch nhẹ, theo hướng tăng tỷ trọng giá trị gia tăng cả 3 khu vực, giảm tỷ trọng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Cụ thể, tỷ trọng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp, xây dựng trong GRDP tăng từ 48,36% trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 48,91% ở 6 tháng đầu năm 2024; khu vực dịch vụ tăng từ 23,24% lên 23,72%; khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản giữ ổn định, chiếm 6,07%; tỷ trọng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 22,34% xuống còn 21,30%.
Lĩnh vực công nghiệp góp phần hỗ trợ tăng trưởng GRDP
Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, kết quả tăng trưởng GRDP quý II/2024 và 6 tháng đầu năm tại tỉnh Vĩnh Phúc được hỗ trợ nhiều bởi sản xuất công nghiệp. Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã phục hồi trong nửa đầu năm 2024 với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,89%.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Vĩnh Phúc có tốc tăng trưởng khá cao |
Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 20/25 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ; 5/25 ngành có chỉ số sản xuất giảm. Cụ thể, ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 14,01% so cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục giữ vai trò động lực quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và ngành sản xuất kim loại tăng lần lượt 12,49% và 9,66%, nguyên nhân được giải thích do thị trường vật liệu xây dựng khởi sắc; ngành sản xuất xe máy đã có sự tăng trưởng trở lại, ước tăng 1,58%.
Tuy nhiên, trong quý II/2024 "ngành sản xuất ô tô giảm 5,46% do điều kiện kinh tế khó khăn dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ xe hơi và người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ; ngành sản xuất trang phục giảm 8,61% do giảm đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chủ yếu” – Cục Thống kê Vĩnh Phúc nêu.
Ước tính 6 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: Thức ăn gia súc, gạch ốp lát, xe máy các loại, doanh thu linh kiện điện tử đều tăng so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, sản lượng giày thể thao và xe ô tô các loại giảm; trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm giày thể thao với mức giảm 12,09%.
Tháng 6/2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 4,18% so với tháng trước và tăng 5,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 6/2024 tăng 1,13% so với 6 tháng năm 2023. Chia theo loại hình doanh nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp nhà nước giảm 2,75%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 4,86% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,05% so với cùng kỳ.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 6/2024 ước giảm 0,91% so với tháng trước, nhưng tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,02%. So với cùng kỳ, 12 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tiêu thụ tăng, trong đó một số ngành có mức tăng khá là: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 25,60%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,49%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 25,36%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 9,37%...
Tháng 6/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho tăng 9,62% so với tháng trước và giảm 11,79% so với cùng thời điểm năm 2023. So với tháng trước, 12 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tồn kho tăng, 4 ngành có chỉ số tồn kho giảm, các ngành có chỉ số tồn kho giảm là: Ngành dệt giảm 10,31%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 15,67%; ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 1,22%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 4,64%.
Mặc dù có sự khởi sắc, tuy nhiên, theo đại diện Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, trên nền so sánh thấp của năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023 giảm 2,72%), cùng với đặc điểm ngành công nghiệp có tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gia công, đơn hàng phụ thuộc vào các đối tác lớn ở nước ngoài, tăng trưởng ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm được nhận định chưa thật sự ổn định và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp.