Vĩnh Long: Nhà vườn đứng ngồi không yên khi giá cam sành "xuống đáy"
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 17.000ha cam sành, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Trà Ôn (hơn 9.500ha), Tam Bình (hơn 3.300ha) và Vũng Liêm (hơn 2.800ha).
Cam sành ở Vĩnh Long đã bước vào thu hoạch chính vụ |
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn cho biết: So với các giống cây ăn trái tại địa phương, cam sành là loại cây dễ trồng. Nếu được đầu tư chăm sóc bài bản, cam sành cho năng suất từ 70 – 100 tấn/ha.
Ở Vĩnh Long, từ tháng 11/2023, cam sành đã bước vào thu hoạch chính vụ. Theo tính toán của ngành chức năng địa phương, với diện tích cam đang cho trái hiện có, mỗi ngày có đến hàng nghìn tấn cam được các nhà vườn bán ra cho thương lái.
Thương lái vẫn tìm mua cam nhưng với giá “hàng xô”, bình quân từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg |
Tuy cam sành tiếp tục đạt năng suất cao nhưng giá bán lại không như mong đợi. Tìm hiểu thực tế tại các nhà vườn ở huyện Trà Ôn được biết, đầu ra cho cam vẫn có chứ không bí bách, thương lái vẫn tìm mua cam nhưng với giá “hàng xô”, nghĩa là mua trọn từng vườn không kể cam tốt, xấu với giá bình quân từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg.
Với cam chưa kịp chín, nhiều nhà vườn “neo” lại với hy vọng giá cam sẽ cải thiện trong thời gian tới |
Anh Nguyễn Văn Ngân, người có hơn 5ha cam sành ở xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn than thở: Giá này y chang như hồi đầu năm, thời điểm tháng 1 và tháng 2/2023. Giá rẻ mà mình không bán thì cam chín quá lứa cũng coi như bỏ. Từ đầu năm đến nay, giá cam sành có lúc cũng “nhích” lên được 5.000 đồng/kg vào tháng 6. Sau đó giảm dần xuống 3.500 đồng/kg, đến cuối tháng 11 và những ngày này thì coi như… chạm đáy”.
“Cam đẹp” được những người buôn bán nhỏ lẻ lựa ra bán riêng |
Anh Ngân cho biết giá cam phải đạt từ 5.000 đồng/kg trở lên thì nhà vườn mới gỡ được vốn đầu tư và có lãi. Do giá vật tư nông nghiệp, giá thuê đất và nhân công lao động đều tăng cao nên chi phí đầu tư cho mỗi công đất (1.000m2) trồng cam cũng tăng theo, khoảng 120 triệu đồng/công. “Nếu tình trạng rớt giả thảm hại còn kéo dài, nhiều nhà vườn sẽ lâm cảnh nợ nần không cách gì trả nổi”, anh Ngân nói.
Một điểm bán cam sành Vĩnh Long tại TP. Cần Thơ |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã cam sành Thắm Tài (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) cho rằng việc cam sành Vĩnh Long rớt giá cũng không có gì bất ngờ bởi đây là mùa thuận, cam đã vào chính vụ nên gặp phải sự cạnh tranh của trái cây cùng loại ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Với lại từ trước tới giờ, cam sành chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước chứ không xuất khẩu được.
Cam sành Vĩnh Long được nhiều người “giải cứu”, mua về ép nước cho các địa chỉ từ thiện |
“Ngoài nguyên nhân bị cạnh tranh, cam sành Vĩnh Long rơi vào tình trạng dội chợ cũng có phần do thời tiết miền Bắc đang trở lạnh, sức tiêu thụ giảm sút. Hiện nay mỗi ngày hợp tác xã thu gom và xuất bán đi các nơi khoảng 25 đến 30 tấn cam, giảm hơn một nửa so với những tháng giữa năm”, ông Tài chia sẻ.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua sản phẩm cam sành trên địa bàn có hiện tượng sản xuất không theo sự điều chỉnh của thị trường, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Diện tích cam sành của tỉnh liên tục được mở rộng từ 8.000ha vào năm 2015 lên hơn 17.000ha. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh Vĩnh Long chỉ có 15.000ha cam sành.