Vĩnh Long: Cần hơn 12.600 tỷ đồng để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Công Thương
Tăng tỷ trọng công nghiệp - thương mại dịch vụ trong GRDP
Trong Quyết định 1178/QĐ – UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành "Đề án Cơ cấu lại ngành Công Thương đến năm 2030", nêu rõ mục tiêu việc cơ cấu lại ngành Công Thương nhằm thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng xuất, chất lượng và giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn liền với chuyển biến mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương năng động, hiệu quả và thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh Vĩnh Long về thực hiện "Đề án Cơ cấu lại ngành Công Thương đến năm 2030" (Ảnh: Báo Vĩnh Long) |
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - thương mại dịch vụ trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Vĩnh Long: Khu vực nông nghiệp - thủy sản (khoảng 26%); công nghiệp - xây dựng (khoảng 25%); dịch vụ (khoảng 45%).
Cụ thể, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,6%/năm. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 870 triệu USD.
Giai đoạn 2026 – 2030, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 22,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân đạt 11 - 12%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 đạt 1 – 1,2 tỷ USD.
Đồng thời, đề án của UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đưa các mục tiêu đột phá như ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh; cơ cấu ngành nghề hướng về công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng cao.
UBND tỉnh Vĩnh Long chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh,… Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghệ cao…
Cơ cấu lại các lĩnh vực trong ngành Công Thương
Theo đề án của UBND tỉnh Vĩnh Long còn đề ra nhiệm vụ cụ thể của ngành Công Thương như công nghiệp thương mại, năng lượng, xuất nhập khẩu, phát triển logistics, liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể, đối với công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản và thực phẩm cần hoàn thiện mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thuỷ sản nâng cao chất lượng và ổn định nguồn nguyên liệu để tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu doanh nghiệp và tăng cường phát triển đa dạng hoá các sản phẩm chế biến.
Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, thiết bị, liên doanh nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng sản xuất…
Ngành công ngiệp hỗ trợ sẽ từng bước được nâng cao trình độ khoa học công nghệ nhằm khai thác năng lực xuất hiện có, đồng thời thu hút, mời gọi các nhà đầu tư mới về sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Trên tiềm năng thế mạnh và định hướng phát triển ngành công nghiệp địa phương, Vĩnh Long sẽ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: Linh kiện phụ tùng, dệt may – da dày, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cao, ngành chế biến thực phẩm, nông sản thuỷ sản.
Công ty sản xuất bộ dây điện dùng cho xe ô tô thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được khuyến khích đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: Thảo Ly/ Báo Vĩnh Long) |
Đối với ngành công nghiệp hoá dược, thức ăn chăn nuôi, tỉnh Vĩnh Long sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hoá chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ…
Xác định ngành dệt may, da giày cao cấp xuất khẩu là ngành công nghiệp xuất khẩu của tỉnh, tạo cơ việc làm cho người lao đông, phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Đồng thời, triển khai thực hiện 5 khu công nghiệp theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Khu công nghiệp Đông Bình, Gilimex Vĩnh Long (Bình Tân), An Định,… ưu tiên mở rộng khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 3.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách giải pháp nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Cùng với đó, tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp mới, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên thu hút và phát triển các ngành có công nghệ hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường. Qua đó, thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.
Về năng lượng, tỉnh Vĩnh Long sẽ khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải, sinh khối đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo.
Tỉnh Vĩnh Long cũng ưu tiên chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao vào các sản phẩm công nghệ cao. Nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, phát thải khi carbon thấp.
Tăng cường khả năng kết nối hàng hóa trong tỉnh và trong vùng, đến các cảng hàng hóa, các trung tâm logistic, các trung tâm kinh tế thông qua việc hình thành hệ thống hạ tầng cơ sở thương mại, các trung tâm logistics tại các địa phương theo quy hoạch.
Để triển khai thực hiện thực hiện các nội dụng chương trình, kế hoạch đề án “Cơ cấu lại ngành Công Thương” của tỉnh Vĩnh Long, kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2030 là 12.632 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng, vốn địa phương 107 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp là 12.485 tỷ đồng.