Vinatex đầu tư gần 1.500 tỷ đồng vào Quảng Nam
Sau 2 năm thực hiện thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đến nay, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến các bước thoả thuận, một số dự án mới, đầu tư cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất tại các nhà máy được triển khai thực hiện.
Buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam. |
Toàn tỉnh hiện có 91 doanh nghiệp may gia công xuất khẩu, với 564 chuyền may, hơn 28 nghìn máy móc, thiết bị các loại, giải quyết việc làm cho trên 27 nghìn lao động, với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Riêng Tổng Công ty CP Dệt may Hoà Thọ (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) có 6 doanh nghiệp, với 7 nhà máy, 83 chuyền may đang hoạt động tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 4.100 lao động, và đang tiếp tục mở rộng sản xuất, thu hút thêm lao động để tối đa công suất.
Năm 2014, giá trị sản xuất ngành may mặc đạt hơn 2.925 tỷ đồng, tăng hơn 10,3% so với năm 2013, chiếm 6,6% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt hơn 142 triệu USD, tăng 55,8% so với năm 2013, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ngành dệt vải cũng có sự tăng trưởng khá, sản lượng sản xuất hàng năm khoảng 52-55 triệu mét vải, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, với thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt hơn 495 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2013.
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định: Những năm qua, ngành công nghiệp dệt may của tỉnh phát triển nhanh và có những bước tăng trưởng rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên, sự phát triển chưa thật sự vững chắc. Ngành dệt vải chủ yếu vẫn là dệt thủ công, chất lượng sản phẩm chưa có chuyển biến tốt, hàng hóa tiêu thụ chậm nên sản xuất gặp khó khăn về vốn.
Trong khi đó, ngành may mặc phần lớn là sản xuất theo hình thức gia công (CMT) cho các doanh nghiệp nước ngoài để xuất khẩu (chiếm khoảng 90%), sản xuất theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB) tỷ trọng còn thấp.
Để đẩy mạnh phát triển ngành dệt may trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, ông Đinh Văn Thu mong muốn thời gian tới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm đầu mối kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may vào địa bàn Quảng Nam, cũng như hỗ trợ thị trường cho các doanh nghiệp dệt may của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng nông thôn. Đồng thời sớm hoàn thành việc quy hoạch ngành dệt may của tỉnh để triển khai thực hiện.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết hiện đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án mới, cũng như tiếp tục mở rộng các nhà xưởng hiện có tại Quảng Nam để tăng quy mô sản xuất. Đặc biệt, trong năm 2015, Tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng Khu liên hợp sợi - dệt nhuộm - may Hương An (xã Hương An, huyện Quế Sơn) với quy mô 20ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.145 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư Nhà máy sợi 3 vạn cọc, sản lượng 4.600 tấn/năm; Nhà máy Dệt nhuộm vải dệt kim với dây chuyền dệt - nhuộm vải dệt kim đồng bộ chất lượng cao, công suất 5.000 tấn/năm; Nhà máy May Hương An công suất thiết kế 20 chuyền may dệt kim tương đương 20-25 triệu sản phẩm dệt kim/năm; đồng thời sẽ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải công suất 5.000m3/ngày đêm. Đến nay, dự án đã hoàn thành thoả thuận địa điểm với diện tích 6,7 hécta, và hiện đang chờ mặt bằng sạch để triển khai.
Ông Trần Văn Phổ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, Dự án Khu liên hợp sợi - dệt nhuộm - may Hương An nằm trong chủ trương đẩy mạnh đầu tư tại khu vực miền Trung của Tập đoàn, đặc biệt là khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.
Đây là một trong các dự án đón đầu của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Dự án hoàn thành sẽ không những cung cấp nguyên vật liệu phục vụ ngành dệt may của tỉnh Quảng Nam mà cho nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, như: Đà Nẵng, Phú Yên..., đồng thời tạo ra các sản phẩm dệt may đa dạng với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và xuất khẩu.
Dự kiến, doanh thu giai đoạn đầu của dự án gần 1.700 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 30-35 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 2.000 lao động huyện Quế Sơn và các vùng phụ cận, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
“Ngoài dự án Khu liên hợp sợi - dệt nhuộm - may Hương An, trong năm 2015, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ sẽ phối hợp với các nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng Nhà máy sợi tại xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, quy mô 20.000 cọc sợi, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2016; xây dựng Nhà máy may tại xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, quy mô 10 chuyền may, giải quyết việc làm cho 500 lao động; đồng thời xem xét việc liên kết với người dân xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc) để triển khai dự án trồng bông thí điểm dạng trang trại trên diện tích 500ha;...”, ông Trần Văn Phổ nói.