VIMEXPO 2022: Cơ hội & thách thức cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam
Đứng trước tình hình kinh tế, chính trị đầy biến động của năm 2022, ngành Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các FDI có xu hướng dịch chuyển vốn và công nghệ sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi và ổn định như Việt Nam.Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần khắc phục các khó khăn từ: chính sách chậm, chưa theo kịp xu thế công nghệ; thiếu nguồn lực về lao động lành nghề; những rủi ro về biến đổi khí hậu, chiến tranh, khan hiếm nguyên liệu, dịch bệnh...
Đây là bài toán chung của ngành, đồng thời cũng là đề mục quan trọng của Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về Công nghiệp hỗ trợ & Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2022 sắp tới, diễn ra từ ngày 16 - 18 /11/2022 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE Hanoi. Triển lãm Vimexpo 2022 được chỉ đạo bởi Bộ Công Thương, chủ trì bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (IDC), và Công ty CP Quảng cáo & Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức, hứa hẹn sẽ “Kết nối cùng phát triển”, giúp các doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo các báo cáo đầu tư, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng trưởng trở lại và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm dự kiến thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam, tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, “Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp với số lượng lao động trên 1 triệu người.”
Bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) chỉ ra rằng: Công nghiệp hỗ trợ hiện vẫn thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI. Kỹ năng của người lao động còn thấp, cần phải được đào tạo mới để tham gia các công việc có giá trị gia tăng cao hơn. Sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các hóa chất; thị lực bị giảm, tăng nguy cơ các bệnh về mắt khi phải nhìn liên tục các chi tiết nhỏ...
Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - cho biết hiện nay các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các nhà lập pháp trên khắp thế giới ngày càng đặt yêu cầu cao hơn đối với nhiệm vụ thúc đẩy việc làm bền vững trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.