Việt Nam tạo thuận lợi hóa thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu
Những bước cải cách quan trọng góp phần tạo thuận lợi thương mại
Theo các chuyên gia, các hoạt động cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại đã góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 674 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021.
Hội nghị “Thương mại cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam” |
Trong quá trình nỗ lực cải cách hành chínhnói chung và cải cách thủ tục hải quan nói riêng trong 4 năm vừa qua, với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại TFP, các nhiệm vụ quan trọng về cải cách của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả nhất định, trong đó có thể kể đến việc áp dụng toàn diện quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan thông qua việc thực hiện các quy định đồng bộ về quản lý rủi ro và triển khai Chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ.
Đánh giá tại Hội nghị “Thương mại cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam” do Tổng cục Hải quan Việt Nam (Bộ Tài chính) và Dự án tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ (Dự án USAID TFP) tổ chức ngày 7/12 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: Hoạt động hỗ trợ của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ là kịp thời hơn bao giờ hết, đặc biệt liên quan đến việc Việt Nam thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO. Dự án đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và pháp lý hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công- tư hiệu quả.
Ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, trong suốt hai thập kỷ qua, USAID đã hỗ trợ Việt Nam phát triển mội trường kinh doanh hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Kể từ năm 2018 Dự án USAID TFP đã phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục Hải quan tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, một thủ tục xuất nhập khẩu thiết yếu nhằm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Những nỗ lực chung này đã giúp các thương nhân tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Sự tham gia của khối doanh nghiệp đã và đang giữ vai trò quan trọng để tiếp nối những thành công. USAID trông đợi sẽ có thêm nhiều sự chung tay mạnh mẽ để tiếp tục nguồn động lực này
Ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đánh giá, tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã giảm khoảng 15%. Cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.
Cải cách mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới
Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Giám đốc Ban Quản lý Dự án (PMU) cho biết, cùng với sự phát triển về thương mại, sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, khối lượng công việc của cơ quan hải quan ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cho cơ quan hải quan phải kịp thời cải cách, đổi mới, phải nghiên cứu, áp dụng các hình thức quản lý mới với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đồng thời vẫn thực hiện được những nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi trong khi các nguồn lực đảm bảo cho thực thi nhiệm vụ có hạn.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ của xu hướng tiêu dùng, quảng bá sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng do ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sự bùng nổ của thương mại điện tử quốc tế cũng đòi hỏi cơ quan Hải quan phải có chính sách quản lý phù hợp, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo sự công bằng, thuận lợi, nhưng cũng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận thương mại.
Nhìn nhận các xu hướng và thách thức nêu trên, cùng với quan điểm quyết liệt về cải cách, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, trong đó đưa ra những mục tiêu trọng tâm có thể kể đến như xây dựng thành công mô hình hải quan số, hải quan thông minh, hiện đại hóa, thực hiện hải quan xanh, xây dựng Luật Hải quan (dự kiến trình Quốc hội vào năm 2026) thay thế Luật Hải quan hiện hành với nhiều thay đổi trong quy trình thủ tục và quản lý hải quan, xây dựng mô hình quản lý phối hợp biên giới, mô hình thông quan tập trung, phát triển và tăng cường quan hệ hải quan - doanh nghiệp, tự động hóa công tác kiểm soát hải quan, cải cách các thủ tục hành chính hải quan thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế…
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là để đánh giá, nhìn nhận và dự báo về triển vọng của thương mại toàn cầu để tiếp tục có những bước đi phù hợp.