Việt Nam nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế
Kinh tế Việt Nam đang phải gồng mình khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang là tâm dịch. Sự suy giảm từ cả phía cầu lẫn phía cung đang tạo sức ép lớn đến tăng trưởng nhưng bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2008 vẫn còn nóng hổi nên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.
Thực tế, kể từ tuần giáp Tết Nguyên đán đến nay, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền khỏi lưu thông. Số dư tín phiếu đã lên tới 120 nghìn tỷ đồng - là mức cao nhất kể từ tháng 7/2018 đến nay. Thông qua thị trường mở, NHNN đã hút ròng gần 95 nghìn tỷ đồng trong tháng 2, tương đương với lượng tiền VND đã bơm ra thị trường qua các giao dịch mua ngoại tệ trong tháng 1/2020.
Theo đánh giá của các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, thanh khoản các ngân hàng thương mại (NHTM) liên ngân hàng vẫn khá dồi dào, lãi suất các kỳ hạn giảm mạnh trong tuần đầu và duy trì ở mức thấp trong cả tháng 2, chốt tháng ở mức 2,25%/năm với kỳ hạn qua đêm (-83bps) và 2,53%/năm với kỳ hạn 1 tuần (-92bps). Với định hướng hiện tại, lãi suất trên liên ngân hàng nhiều khả năng vẫn dao động ở vùng hiện tại trong tháng 3 này.
NHNN tập trung vào các giải pháp cụ thể như yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) không được tăng lãi suất; rà soát đánh giá để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ… với các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nhiều NHTM như Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)… đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm.
Trong đó, BIDV đã công bố gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên trước mắt mới chỉ triển khai 28.000 tỷ. Với gói cho vay này, BIDV sẽ giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm bằng VND và 0,5%/năm bằng USD so với lãi cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng.
Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã và sẽ giảm đáng kể trong khi đó lãi suất huy động hiện vẫn không có nhiều thay đổi. Lãi suất tiền gửi điều chỉnh giảm từ 10-30bps ở một số ngân hàng (BIDV, VPB) ở cả kỳ hạn ngắn và dài hạn nhưng hầu hết vẫn giữ ổn định ở mức 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,2%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, kết hợp với khả năng giãn lộ trình đáp ứng các tỷ lệ an toàn, lãi suất tiền gửi có khả năng giảm trong những tháng tới.
Đánh giá về việc các gói hỗ trợ của Chính phủ và NHNN, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu - cho biết, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và toàn nền kinh tế nói chung vượt qua khó khăn.
Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh - ngành ngân hàng đã kịp thời thực hiện rất tốt việc điều hành chính sách tiền tệ, giúp lãi suất và tỷ giá được ổn định, dòng vốn được lưu thông thông suốt.
Ông Hưng khẳng định, điều này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều bởi nhờ các điều kiện đầu vào này ổn định và cũng là nguồn lực để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tính đến 17 giờ ngày 10/3, đã có 114.189 ca xác nhận dương tính với Covid-19, có 4.019 ca tử vong tại 103 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam đã có 34 trường hợp nhiễm và 16 ca được chữa khỏi. Điều này cho thấy dịch vẫn đang còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bao trùm đến toàn bộ nền kinh tế của thế giới do nhiều hoạt động giao thương đang bị ngưng trệ, sản xuất của nhiều quốc gia đang sụt giảm. Chính vì thế các biện pháp kéo giảm lãi suất của NHNN sẽ phần nào giúp doanh nghiệp Việt vượt qua giai đoạn khó khăn này. |