100.000 tỷ đồng dư nợ ngân hàng bị ảnh hưởng bởi bão
Chiều 20/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Những ngày này bão lũ đã qua đi, nhưng vẫn còn rất nhiều hình ảnh địa phương gặp vất vả trong việc ổn định cuộc sống của người dân.
Đối với ngành ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng trên 100.000 tỷ đồng với gần 85.000 khách hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Minh |
Theo Thống đốc, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ngày 17/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước được giao hai nhiệm vụ đó là, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ảnh: Duy Minh |
Các ngân hàng khẩn trương vào cuộc
Tại hội nghị, nhiều ngân hàng cam kết sẽ tạm hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ và hạ lãi suất cho vay đối với đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3. Mức giảm lãi suất từ 0,2% đến tối đa 2% trong thời hạn từ nay đến ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, đại diện một số ngân hàng thương mại cũng cho biết, đang xây dựng những gói tín dụng mới với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6% đến 6,5%/năm, cùng điều kiện cho vay không quá khắt khe để người dân, doanh nghiệp các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ có thể dễ dàng tiếp cận, có vốn để đầu tư, phục hồi sản xuất.
Bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - cho biết, tính đến ngày 17/9, ngân hàng có 194 khách hàng cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng tương ứng với dư nợ khách hàng cá nhân là 355,2 tỷ đồng; trong đó chi nhánh Quảng Ninh có 71 khách hàng, chi nhánh Tuyên Quang 87 khách hàng. Đối khách hàng doanh nghiệp, có 57 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp với tổng dư nợ là hơn 1.415 tỷ đồng. Hàng loạt cơ cở vật chất bị hư hại, công trình, nhà kho, nhà cửa bị tàn phá và nhiều thiết bị sản xuất kinh doanh, hàng hóa bị vùi lấp, hỏng hóc…
Lãnh đạo SHB chia sẻ, với tinh thần đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, ngân hàng đã khẩn trương rà soát, thống kê tình hình thiệt hại của khách hàng do ảnh hưởng bởi bão Yagi và lũ lụt sau bão, từ đó áp dụng phương án hỗ trợ phù hợp nhất, góp phần giúp người dân và doanh nghiệp nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, SHB cũng sẽ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách của Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ khách hàng vay vốn. “SHB đã triển khai các chương trình đặc biệt hỗ trợ lãi suất và miễn/giảm lãi phải trả cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão” - bà Hà nói.
Cụ thể, SHB cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của ngân hàng về khả năng trả nợ của khách hàng; thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng nhưng tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa không vượt quá thời hạn cho vay vốn ban đầu theo hợp đồng tín dụng quy định.
“SHB triển khai chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả từ ngày 1/9 đến 31/12/2024. Đặc biệt, với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng” - Tổng giám đốc SHB thông tin, đồng thời cho biết thêm, ngân hàng cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5% với khoản vay mới, đến hết ngày 31/12/2024, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục sản xuất, kinh doanh với thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị tác động, giúp ổn định đời sống và hồi phục sản xuất sau thiên tai.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank), từ nay đến hết ngày 31/12/2024, nhà băng này sẽ triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay lên đến 2%/năm đồng thời ngân hàng cũng dự định cơ cấu nợ, gia hạn thời gian trả lãi, gốc cho khách hàng hiện hữu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ.
Ông Hồ Nam Tiến - Tổng giám đốc LPBank - cho biết, LPBank sẽ giảm lãi suất cho vay với tổng quy mô dư nợ lên tới 29.700 tỷ đồng. Dự kiến, hơn 63.200 khách hàng tại 26 tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.
Đối với các khách hàng mới, LPBank cũng áp dụng những chính sách hỗ trợ cần thiết với gói cho vay lên tới 8.000 tỷ đồng, đa dạng các mục đích cho vay như sửa chữa cơ sở kinh doanh, cho vay vốn lưu động phục hồi sản xuất kinh doanh, cho vay xây dựng sửa chữa nhà cửa, trang bị nội thất, cho vay tiêu dùng phục vụ cuộc sống… Tổng số tiền hỗ trợ giảm lãi suất cho vay dự kiến lên đến 85 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thông qua các chi nhánh, phòng giao dịch, LPBank cũng khẩn trương thành lập các đoàn công tác đi thực địa, thăm hỏi động viên các khách hàng, đánh giá mức độ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ... để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các khách hàng tại một số khu vực chịu thiệt hại lớn bởi bão lũ vùng Đông và Tây Bắc bộ như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… sớm khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.
Không chỉ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng công bố tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đến hết ngày 31/12/2024.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các ưu đãi, đặc biệt là giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)... Mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,5 - 2%/năm tùy đối tượng vay vốn và chính sách riêng của mỗi ngân hàng.