Chủ nhật 17/11/2024 05:22

Việt Nam mong muốn các nước EU đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại về năng lượng tái tạo, logistics

Trong chuyến thăm châu Âu (EU), Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại vào Việt Nam liên quan tới năng lượng, logistics...

Các nước châu Âu mong muốn hợp tác sâu rộng với Việt Nam

Chiều ngày 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại các quốc gia châu Âu.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU ngày 14/12/2022 theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 9 - 15/12/2022 theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

Có thể khẳng định, đây là chuyến công tác của Thủ tướng tới nhiều quốc gia, hướng tới nhiều mục tiêu trên nhiều lĩnh vực, nhiều bình diện cả song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, với chương trình làm việc dày đặc, nội dung làm việc phong phú, đạt nhiều kết quả ấn tượng và quan trọng, giúp nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của Việt Nam.

Tại 3 nước châu Âu, các nước đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư; có nhiều thế mạnh phù hợp mục tiêu an ninh - phát triển của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, công nghệ cao… Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực, đã có các khuôn khổ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, quyết tâm cùng Việt Nam đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại các buổi tiếp Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các nước khẳng định mong muốn cùng Việt Nam đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Các nước đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp của cả 3 nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lãnh đạo các nước ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.

Chuyến thăm của Thủ tướng cũng đã thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ba nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh - phát triển của đất nước. Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.

Ngoài ra, chuyến thăm đã đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của ba nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam với ba nước về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Các nước cam kết ủng hộ Việt Nam về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Đề nghị EU tham gia sâu rộng đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh

Tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu đề cao ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Cấp cao và chia sẻ về một số định hướng.

Theo đó, hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược, hợp tác cân bằng, bình đẳng, hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU.

Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm G7, mong muốn EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mê Kông.

Trước những biến chuyển của tình hình, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hoà bình, ổn định là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Thủ tướng đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các quốc gia EU đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chiến lược liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số...- Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước, các đối tác. Tại Hội nghị Cấp cao và trong các cuộc tiếp xúc song phương giữa Thủ tướng, các nhà lãnh đạo EU và lãnh đạo các nước châu Âu đều đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam, Việt Nam gia nhập ASEAN muộn hơn nhiều nước nhưng trong quan hệ với EU, Việt Nam lại tiến nhanh hơn các nước trong khu vực ở nhiều lĩnh vực.

Một trong những mục tiêu và điểm nhấn đặc biệt trong chuyến công tác của Thủ tướng là thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hạ tầng chiến lược…

Thủ tướng đã có nhiều cuộc thăm, làm việc với các cơ sở kinh tế, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu của mỗi nước cũng như của châu Âu và thế giới, như Trung tâm công nghệ cao IMEC (Interuniversity Microelectronics Center) của Bỉ, Trung tâm công nghệ Brainport (BIC), Trung tâm nhà vườn thế giới, mô hình cảng Rotterdam của Hà Lan, Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg – hiện đang niêm yết một nửa trái phiếu xanh trên thế giới…

Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã dự các diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn; đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết.

Thủ tướng bày tỏ Việt Nam mong muốn được tham khảo kinh nghiệm của các nước trong quá trình phát triển qua các giai đoạn: Từ nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa và hiện nay là đổi mới sáng tạo gắn với đô thị thông minh.

Nhiều ý tưởng, chương trình hợp tác đã được Thủ tướng thúc đẩy mạnh mẽ và sẽ được nghiên cứu, triển khai cụ thể sau chuyến thăm, như: khả năng thành lập trung tâm phân phối hàng hóa, nông sản Việt Nam tại Bỉ để xâm nhập vào thị trường châu Âu; khả năng xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đánh giá tiềm năng, xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi…

Phó Thống đốc tỉnh Bắc Brabant Martijn van Gruijthuijsen (Hà Lan) giới thiệu với Thủ tướng về BIC, khu công nghệ cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại các cuộc tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ những yếu tố nền tảng quan trọng để các nước và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư với Việt Nam. Đó là quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước châu Âu, Việt Nam và EU, ASEAN – EU; đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ hai trong ASEAN (sau Singapore) có hiệp định thương mại tự do với EU và hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU đang được các nước thông qua.

Về phần mình, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân, có quan hệ đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước; đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, giữ chính sách tương đối ổn định, điều hành không giật cục, không chuyển trạng thái đột ngột để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh lâu dài, bền vững, bảo tồn vốn, có lãi và phát triển.

Mặt khác, theo Thủ tướng, thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao…; song bên cạnh những thách thức, những thay đổi này cũng tạo ra nhiều cơ hội.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định thông điệp, ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, không nước nào có thể đứng ngoài hay có thể tự mình giải quyết, kể cả các nước phát triển, trong khi Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn. Là quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, trên tinh thần con người là trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển; “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; kêu gọi cách tiếp cận bảo đảm công bằng, công lý trong ứng phó biến đổi khí hậu, theo đó, phải hỗ trợ các nước đang phát triển nhưng phải gánh vác trách nhiệm như các nước phát triển, cụ thể là hỗ trợ về tài chính với lãi suất ưu đãi, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị và xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Nhân dịp chuyến thăm, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện chủ trương, chính sách của mình về xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và đối tác đều đánh giá cao, bày tỏ ấn tượng với quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam cũng như của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đối với các lĩnh vực nói trên, khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam bằng các hoạt động, dự án, chương trình hợp tác cụ thể, thực chất và hiệu quả, cùng có lợi.

Có thể nói, chuyến công tác góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế và nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài về chủ trương, đường lối, chính sách và tương lai phát triển của Việt Nam, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đóng góp vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, xu thế mở cửa và phục hồi sau đại dịch, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong khu vực và trên thế giới.

PV

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Chủ tịch nước tham dự Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC và khách mời

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Thủ tướng phân công 4 Phó Thủ tướng theo dõi, giải quyết kiến nghị của Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu

Quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn bao lâu?

Đa dạng hoạt động nhân Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Cơ hội đưa quan hệ Việt Nam-Cộng hòa Séc lên tầm cao mới

Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh G20, thăm chính thức Dominica: Củng cố, thúc đẩy hợp tác với các đối tác

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau sẽ vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC

Ông Nguyễn Quang Đức được điều động làm Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế để chi cho khám chữa bệnh

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 35

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Quốc vương Brunei

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Thị trưởng Lima và nhận Chìa khóa biểu tượng thành phố

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu Peru

Thông điệp mạnh mẽ về niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng