Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp công nghệ tài chính phát triển
Hội thảo với sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước, các startup Việt trong lĩnh vực công nghệ tài chính trong và ngoài nước.
Công nghệ tài chính – fintech hiện đang là một trong những lĩnh vực có sự phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện của làn sóng fintech đem lại hiệu ứng tích cực của người tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính bằng tư duy đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Fintech Việt Nam ra đời vào khoảng năm 2015. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam có khoảng gần 100 công ty fintech.
Các đại biểu trao đổi về tương lai của fintech tại Việt Nam |
Theo bà Nguyễn Thùy Dương - Thành viên Ban điều hành CLB Fintech Việt Nam, tương tác với công nghệ của con người càng đi vào chiều sâu; Hệ thống phân tích dữ liệu để phục vụ khách hàng, tương tác Internet vạn vật đang ngày càng phổ biến. Theo thống kê, cứ 35 ngày lại có 1 công nghệ mới được công bố đến được 50 triệu người dùng. Đối với doanh nghiệp, các hoạt động kinh doanh, tác động của công nghệ ngày càng trở nên rõ nét hơn. Khảo sát cho thấy, 64% người tiêu dùng 4.0 cho rằng họ kiểm tra giá của sản phẩm dễ dàng hơn; 79% người dùng sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến (shopping online); khách hàng có xu hướng mua hàng ở trang có nhiều tương tác…
Các đại biểu nhận định, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho Fintech phát triển. Bởi, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, có đến hơn 50% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, 73% trong số đó ở khu vực nông thôn. Việt Nam có hơn 73 triệu người dùng Internet, 46 triệu người dùng mạng xã hội và có hơn 124 triệu thuê bao điện thoại, trung bình 1 người sử dụng Internet qua điện thoại là 2 giờ 33 phút mỗi ngày.
Một startup đặt câu hỏi về quan điểm "doanh nghiệp fintech cạnh tranh - cộng tác" |
Các đại biểu cho rằng, fintech ở Việt Nam đang có làn sóng phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực. 78% doanh nghiệp fintech cho rằng chính phủ cần có nhiều hơn những hỗ trợ về thuế, bên cạnh đó, thiếu hụt nhân lực cũng là một rào cản vô cùng lớn đối với startup fintech.
Dù vậy, các đại biểu vẫn khẳng định, xu hướng phát triển của fintech tại Việt Nam là tất yếu. Và chỉ trong khoảng 5 năm nữa, fintech sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh tài chính nói chung, thị trường tài chính nói riêng tại Việt Nam. Trong cạnh tranh, các doanh nghiệp fintech vẫn sẽ có sự cộng tác.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi về vai trò và mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ giữa fintech với ngân hàng. Đại diện Viettel đề xuất mô hình kết hợp giữa fintech – techfin (doanh nghiệp hạ tầng như Viettel) – ngân hàng trên cơ sở cả 3 bên cùng có lợi.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm rằng hình thức vay ngân hàng có triển vọng phát triển tại Việt Nam với khả năng giải quyết vấn đề tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa linh hoạt. Tuy nhiên, nếu triển khai hình thức này phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, cơ chế phù hợp nếu không sẽ tạo ra khoản vay không thực, gây nhiều hệ lụy và nguy cơ tiêu cực cho xã hội.