Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu
Sáng nay 14/5/2023, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Ban An toàn giao thông Hà Nội tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7.
Quang cảnh lễ phát động |
Trọng tâm của Tuần lễ này là Chiến dịch tuyên truyền tuân thủ tốc độ quy định thông qua việc giới thiệu tài liệu tuyên truyền “Hãy tuân thủ tốc độ quy định” với sự đồng hành của Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies.
Thông điệp "Tham gia giao thông xanh-sạch-an toàn" được truyền tải thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang sử dụng xe đạp, xe điện, phương tiện giao thông công cộng và đi bộ; khi lái xe thì luôn tuân thủ quy định về tốc độ, nhường đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 |
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu |
Trên cơ sở thông điệp Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 của của Liên hợp quốc, Uỷ ban An toàn giao thông đã thiết kế các tài liệu tuyên truyền và xây dựng thông điệp chung “Tham gia giao thông xanh-sạch-an toàn” và các khẩu hiệu tuyên truyền, cụ thể: Đường phố dành cho cuộc sống; Đạp xe – Mạnh khoẻ - Vui vẻ - An toàn; Đi xe điện – Thân thiện môi trường; Đi xe buýt – Ít nguy cơ; Đã uống rượu bia – Không lái xe; Giảm tốc độ - Nhường người đi bộ, để các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí, truyền thông sử dụng.
Video truyền thông mang tên “Người mẹ” của Chiến dịch “Hãy tuân thủ tốc độ quy định!” sẽ được phát sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương.
Đặc biệt, ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn đường bộ toàn cầu, sẽ thực hiện một chiến dịch truyền thông sâu rộng, phát sóng trên các kênh truyền hình, phát thanh, đường phố, các tòa nhà lớn, bến xe, bến tàu, trung tâm đào tạo và thi bằng lái xe.
Các đại biểu tham gia dán sticker cổ động cho Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu |
Theo TS Tom Carroll, Cố vấn cao cấp của Vital Strategies về truyền thông an toàn giao thông, bị đâm ở tốc độ cao khiến người đi bộ, đi xe đạp có rất ít cơ hội sống sót khi va chạm. Gần 1,3 triệu người thiệt mạng trên các con đường trên thế giới mỗi năm, trong đó chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra những thảm kịch có thể ngăn ngừa được.
“Trong an toàn đường bộ cần ưu tiên những người có nguy cơ cao nhất - người đi bộ, người đi xe đạp và người đi xe máy - để giảm nguy cơ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm”, TS Tom Carroll nói.