Việt Nam - Hàn Quốc: Còn nhiều dư địa trong hợp tác nông nghiệp
Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo |
Đến nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam, đối tác thương mại và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng hơn 150 lần, từ 0,5 tỷ USD vào năm 1992 lên 76 tỷ USD vào năm 2023.
Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến hết năm 2022 đạt 81,997 tỷ USD, chiếm 18,24% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiếp nhận vốn ODA lớn nhất của Hàn Quốc….
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa để phát triển. Hàn Quốc là nước có nền nông nghiệp hiện đại, giống cây trồng phong phú, là quốc gia có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nông sản mà Việt Nam mong muốn hợp tác trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm nổi bật như: gạo, rau và trái cây, thủy sản, cây công nghiệp...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn 2024 - 2030” sẽ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa 2 bên theo hướng bền vững và bao trùm; tăng cường cơ cấu hợp tác công - tư giữa 2 nước.
“Bên cạnh các chương trình, dự án hợp tác truyền thống, “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2024-2030” cần tập trung phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế so sánh của hai bên. Đồng thời đa dạng hóa các loại hình hợp tác từ hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến các hình thức đầu tư mới như đối tác công tư, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị; khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nâng cao chất lượng và giá trị thương mại nông lâm thủy sản giữa giữa hai nước”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nhận định về tiềm năng và định hướng hợp tác giữa 2 bên đến năm 2030, các đại biểu tại hội thảo cùng nhau thảo luận về những lợi thế so sánh cũng như đa dạng các loại hình hợp tác, đầu tư. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác giữa 2 quốc gia tập trung vào chuyển giao công nghệ về phát triển cây nhiên liệu sinh học, các giống rau cao cấp, công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển cây ăn quả ôn đới, phát triển khuyến nông, ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp và thúc đẩy thương mại nông sản là thế mạnh của mỗi nước.
Theo ông Chang Won Sam - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica), nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa 2 bên và được hỗ trợ theo chiến lược chung và dài hạn. Để đẩy mạnh thu hút các dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp về lâu dài cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả.
“Với nỗ lực mang lại cuộc sống ổn định và thịnh vượng cho người dân, Koica sẽ thông qua các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam như: Cải thiện chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết thị trường, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu để nâng cao năng lực sản xuất, năng lực thị trường sản phẩm nông lâm, thủy sản; phát triển nông thôn bền vững đồng thời hỗ trợ xây dựng mạng lưới sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, ông Chang Won Sam nói.