Thưa bà, EVFTA và IPA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Vậy, bà đánh giá như thế nào về khả năng thực thi cam kết của Việt Nam đối với 2 hiệp định này?
Da giày - mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu |
Tôi không nghi ngại về những cam kết từ phía Chính phủ Việt Nam cũng như trong việc thực hiện các hiệp định này. Bởi đây cũng là một phần của chương trình cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi. Tất nhiên, cải cách nền kinh tế luôn là một thách thức lớn. Về phía EU, chúng tôi sẵn sàng đồng hành để hỗ trợ các chương trình, nhằm bảo đảm doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội mà EVFTA và IPA mang lại. Trong quá trình triển khai, nếu có bất kỳ phần nào của hiệp định gặp khó khăn, hay các thủ tục còn vướng mắc, hai bên sẽ cùng thảo luận để tìm ra những khó khăn, vướng mắc. Tôi nghĩ cộng đồng DN hai bên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin đến các nhà hoạch định chính sách hai bên, trong đó nêu ra những vấn đề cần triển khai tốt hơn.
Bà Helena Konig- Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại Ủy ban châu ÂU |
Cho đến lúc này, tôi thấy cả hai bên đều chuẩn bị được rất nhiều để đi đến thực thi, mặc dù các hiệp định chưa được phê chuẩn và có hiệu lực. Tuy nhiên, cả phía Việt Nam và EU sẽ phải tiếp tục tăng tốc việc chuẩn bị hơn nữa để bảo đảm sẵn sàng thực thi một cách đầy đủ ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Trong những năm qua, chúng tôi đã có chương trình hỗ trợ Việt Nam thực thi các hiệp định và chương trình này vẫn đang được tiếp tục. Nhưng, hiện nay, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn để thực thi tốt hiệp định và các lợi ích sẽ tới được tất cả mọi đối tượng.
Gần đây có rất nhiều lo ngại về việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Phía EU có chung mối lo ngại này không và hướng giải quyết của EU đối với vấn đề đó như thế nào?
Vấn đề hàng hóa lách luật là một nguy cơ có thể xảy ra. EU có các quy định về nguồn gốc xuất xứ (C/O) rất nghiêm ngặt và chặt chẽ để không xảy ra các hiện tượng trên. Trong hiệp định và các thủ tục hành chính đều có quy định rất cụ thể, nếu xảy ra tình trạng lách luật, hai bên sẽ phải hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề trên.
Trước khi ký FTA với EU, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định CPTTP. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng vừa trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Vậy, theo bà, vị thế của Việt Nam đã có sự thay đổi như thế nào trong con mắt của các nhà đầu tư EU?
Việt Nam gần đây ký kết nhiều Hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, điều này vừa thể hiện nội lực của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, vừa cho thấy Việt Nam có thể trở thành trung tâm thu hút nguồn vốn từ nhiều quốc gia khác, không chỉ từ khối EU.
Bên cạnh đó, điều này còn góp phần giúp Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới trong tương lai. EVFTA và IPA cũng là cơ hội để cộng đồng DN vừa và nhỏ của hai bên tăng cường hợp tác. Với chúng tôi, EVFTA cũng là bước đệm quan trọng để tiến đến mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác khác trong ASEAN.
Dự báo dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới và điều này sẽ tác động đến các ngành của Việt Nam ra sao, thưa bà?
Tôi nghĩ dòng vốn đang chảy vào các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa châu Âu cũng đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Điều này rất quan trọng vì các DN nhỏ và vừa thường có rất nhiều ý tưởng mới và khi họ vào Việt Nam cũng tạo ra nhiều cơ hội hợp tác với các DN nhỏ và vừa trong nước.
Một yếu tố quan trọng khác nữa là nhìn vào cấu phần thương mại hàng hóa, khi các ngành của Việt Nam phát triển nhờ các bí quyết và các sản phẩm đầu vào đến từ châu Âu thì chính các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh tốt hơn rất nhiều trên toàn cầu.
Xin cảm ơn bà!