Doanh nghiệp gỗ tận dụng EVFTA tiến sâu vào thị trường EU Hiệp định EVFTA và tác động kép với xuất khẩu cà phê sang EU |
Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã và đang tiếp tục mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư tại thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng trong thời gian tới và ngược lại.
“Trái ngọt” xuất khẩu hàng hóa từ Hiệp định EVFTA |
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020, từ mức 266 triệu USD năm 2016 lên mức gần 1,3 tỷ USD năm 2020.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đứt gãy nguồn cung,… ảnh hưởng đến sức mua tại thị trường Hungary nên tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước có sự sụt giảm nhẹ 15% (xuống 1,09 tỷ USD).
Đến năm 2022, tổng kim ngạch thương mại đã tăng nhẹ lên 9,7%, đạt 1,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tăng 1,3% (577,5 triệu USD) và nhập khẩu tăng 18,7% (628,5 triệu USD).
Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam và Hungary năm 2023 đạt hơn 848 triệu USD; trong đó xuất khẩu đạt 418,5 triệu USD, nhập khẩu đạt 429,7 triệu USD.
Việt Nam luôn nằm trong Top đầu các nước Đông Nam Á xuất khẩu sang Hungary. Trong đó, 3 năm liền (2020, 2021, 2022) Việt Nam đứng đầu trong khối Đông Nam Á xuất khẩu sang Hungary.
Đáng chú ý, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống của Việt Nam vẫn có chỗ đứng nhất định tại thị trường Hungary. Điển hình như: hạt điều chiếm khoảng trên 40% thị phần, quế chiếm khoảng 18% thị phần, cà phê chiếm khoảng 13,8% thị phần, gạo chiếm khoảng 6% thị phần, hạt tiêu chiếm khoảng 5% thị phần.
10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Hungary đạt 2,7 triệu USD, tăng 174% so cùng kỳ năm 2022, thị phần từ gần 2% năm 2022 đã tăng lên 6% trong năm 2023.
Bên cạnh nông sản, nhóm hàng linh kiện điện tử là nhóm hàng chủ lực của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary trong những năm gần đây.
Với EVFTA, Thương vụ Việt Nam tại Hungary nhận định, Hungary nằm trong khối Liên minh châu Âu, do vậy, thị trường này có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, môi trường, xã hội, lao động... Đặc biệt, hàng hóa cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp với đối tác.
Thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Hungary, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho biết, giải pháp hiệu quả vẫn là tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Hungary nghiên cứu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác sở tại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.
Đồng thời, tổ chức và tham gia các buổi hội thảo doanh nghiệp để quảng bá hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết nối kinh doanh, đầu tư; tổ chức các chương trình trưng bày, quảng bá hàng xuất khẩu Việt Nam; chủ động tìm kiếm các nhà nhập khẩu, phân phối sở tại giới thiệu cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và ngược lại.
Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, ngay sau khi kết thúc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm chính thức Hungary. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia đoàn công tác của Thủ tướng. Hungary đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong quá trình đàm phán, ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Hungary là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVIPA. |