Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về chỉ số hạnh phúc
Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 được đề xuất đầu tiên bởi Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya và luôn đứng top đầu trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Bắt đầu từ những năm 1970, nhà vua Bhutan đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Bhutan đề xuất ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Nguồn: Internet |
Cuối cùng, vào tháng 6/2012, Liên Hợp Quốc đã chính thức tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Trong cuộc họp phát động Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2012, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc là ông Ban Ki Moon phát biểu: "Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của ba yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. Ba yếu tố đó gồm: Xã hội - Kinh tế - Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc".
Việc Liên Hợp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Bởi vậy, ngày 20/3 - Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Việt Nam xếp thứ 4 về chỉ số hạnh phúc trong khu vực Đông Nam Á
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới gần nhất vào năm 2023 (The World Happiness Report 2023), chỉ số hạnh phúc của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 65 trên thế giới và thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia (có điểm số hạnh phúc đạt 6, xếp thứ 55 trên thế giới) và Thái Lan (đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, có điểm số hạnh phúc đạt 5,8; xếp thứ 60 trên thế giới). Theo sau đó là các quốc gia Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia và Myanmar với chỉ số hạnh phúc đạt lần lượt là 5,5; 5,3; 5,1; 4,4 và 4,4.
Điểm hạnh phúc các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nguồn: The World Happiness Report 2023 |
Theo báo cáo, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2022 đã đạt 4.110 USD, tăng gần 400 USD so với năm 2021. Tuổi thọ trung bình của người dân là 73,6 tuổi, cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Những tiêu chí khác như hỗ trợ xã hội, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức xã hội về tham nhũng của Việt Nam được đánh giá ngày càng tích cực. Mặt khác, Việt Nam được xếp hạng cao về bình đẳng khi mà khoảng cách giữa một nửa dân số cảm thấy hạnh phúc hơn và nửa dân số ít hạnh phúc hơn rất nhỏ. Ở tiêu chí này, Việt Nam là nước châu Á duy nhất lọt vào top 20 thế giới.
Việt Nam là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao |
Sắp tới đây, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 sẽ tiếp tục được thực hiện và công bố bởi Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Báo cáo đưa ra xếp hạng về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, dựa trên kết quả đánh giá trung bình của 3 năm từ 2021 đến 2023.