Việt Nam: Điểm đến đầu tư của 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới vẫn rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam vẫn kiên định với những giải pháp chủ động và hiệu quả nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Nhờ đó, năm 2020 Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương, với 2,91%.
140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án tại Việt Nam |
“Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021 vẫn cơ bản được duy trì ổn định. Mục tiêu đặt ra trong năm 2021 dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7%” – bà Trần Thị Bích Ngọc thông tin.
Về thu hút FDI, Việt Nam hiện đang có 33.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 394 tỷ USD, các dự án này đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng 4 tháng đầu năm 2021, mặc dù FDI toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần đạt 12,25 tỷ USD, đặc biệt vốn đăng ký mới tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù thu hút FDI 4 tháng đạt 99,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đây là kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn FDI.
Cơ hội từ hội nhập
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, thời gian gần đây rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao vấn đề ổn định chính trị – xã hội của Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế và tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Ngoài những yếu tố trên, để tạo cơ hội thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam đã thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài lớn nắm bắt kịp thời các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, một loạt các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã được thông qua với rất nhiều điểm mới, theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam… đã làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư ngoại.
Hiện Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)… điều này đã đem đến lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia của nhóm G20, qua đó mở ra triển vọng rất lớn cho Việt Nam trong thu hút FDI thời gian tới.