Việt Nam đạt nhiều thành tựu về chính sách tôn giáo
- Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ đối thoại chiến lược tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ. Hội thảo nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến tôn giáo nói chung, làm rõ hơn những chuyển biến và thành tựu về tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, góp phần hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật của Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới. Một bức tranh đầy đủ về tôn giáo trong thế giới đương đại, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bằng pháp luật với những trao đổi về sự chuyển biến trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới; những nhận định tổng quan về tôn giáo ở Việt Nam và những vấn đề trong quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước cũng như sự đa dạng tôn giáo và quyền tự do tôn giáo trên thế giới; khung pháp lý quốc tế bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; kinh nghiệm của EU và Mỹ trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… đã được các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ Hội thảo. Nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam đã đi sâu vào quá trình đổi mới với những thành tựu to lớn về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong quá trình đó, đổi mới về chính sách đối với tôn giáo đã đưa lại những thành tựu rất quan trọng, làm thay đổi căn bản đời sống tôn giáo theo chiều hướng ngày càng tiến bộ và tích cực. Những chuyển biến trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam làm sáng tỏ chủ trương và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, làm cho quần chúng tín đồ, chức sắc thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước cùng sự đổi mới của đất nước, từ đó ủng hộ và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới. Chính điều đó đã góp phần vào sự ổn định tình hình chính trị và phát triển của đất nước. Theo cố vấn chính trị Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Juan-Jose Almagro Herrador, thời gian qua, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đã có những bước phát triển rất quan trọng trong vấn đề tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Hợp tác của Châu Âu và Việt Nam đã lên một tầm cao mới và đang hướng tới quan hệ đối tác cũng như ký kết các hiệp định đối tác hợp tác. Việc ký kết này sẽ mang lại cơ hội để hai bên mở rộng thêm các đối thoại của mình trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực về nhân quyền. Sự hợp tác tăng cường đó sẽ mang lại những thành tựu trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Phó trưởng Ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân khẳng định đổi mới tôn giáo ở Việt Nam ngang bằng với đổi mới chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước. Đổi mới này là đúng đắn và đưa lại nhiều kết quả rất tích cực, cho thế giới biết được những chuyển biến trong đời sống tôn giáo Việt Nam cũng như những chuyển biến trong chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Ông Xuân nhấn mạnh các tôn giáo khi được công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật bao giờ cũng xác định cho mình một đường hướng hoạt động tôn giáo gắn với xã hội. Việc xác định đường hướng đó đã tạo ra lối đi cho các tôn giáo trong hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội, nâng đỡ hoạt động tín ngưỡng tích cực và các tôn giáo cũng tự loại ra những người có hành vi xấu, có hành vi không lợi cho tôn giáo của mình, không đi theo đúng đường hướng. Bên cạnh đó, các tôn giáo rất hăng hái tham gia các hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là tham gia vào công tác từ thiện xã hội, góp phần cùng nhà nước giảm bớt gánh nặng do vấn đề xã hội đặt ra. Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng những chuyển biến trong đời sống tôn giáo trong thời gian qua đã góp phần giới thiệu với bè bạn và cộng đồng quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, hòa bình, ổn định và phát triển. Những chuyển biến đó là bằng chứng để đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam của các thế lực thù địch./.
Theo VietNam+