Việt Nam đang đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất từ Hoa Kỳ
Việt Nam đang phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại
Chia sẻ tại Hội thảo “Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA và UKVFTA đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và những lưu ý cho doanh nghiệp” diễn ra sáng ngày 10/5, bà Nguyễn Trang Nhung - Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho hay, số liệu cập nhật đến tháng 5/2023, Việt Nam đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong 6 năm gần đây nhất (tính từ năm 2017 đến nay) Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc. Trong đó, các sản phẩm thường xuyên bị điều tra là thép, gỗ, sợi…
Thép dây không gỉ là đối tượng bị kiện. Nguồn: Bộ Công Thương |
Phân theo quốc gia, hiện Hoa Kỳ đang đứng số 1 với 53 vụ kiện; tiếp theo là Ấn Độ (30 vụ); Thổ Nhĩ Kỳ (25 vụ); Canada (18 vụ); Australia (18 vụ); EU (14 vụ); Philippines (13 vụ).
Phân theo loại hình thì điều tra chống bán phá giá đứng vị trí số 1 với 126 vụ việc; đứng thứ 2 là điều tra tự vệ với con số 46; điều tra về chống lẩn tránh 33 vụ; điều tra chống trợ cấp 23 vụ.
Thông tin về các vụ phòng vệ thương mại mà EU điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bà Nguyễn Trang Nhung cho biết, chúng ta đã phải đối mặt với 6 vụ việc chống bán phá giá; 1 vụ việc chống trợ cấp; 1 vụ việc tự vệ; 6 vụ việc chống lẩn tránh.
Nói về nguyên nhân các vụ kiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Trang Nhung cho hay là do sự xuất hiện của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs); việc tăng cường bảo hộ thương mại; áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xung đột thương mại dẫn đến sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đã làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyền tải bất hợp pháp.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Chủ trương của Chính phủ là kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong WTO và các FTA đã ký kết, bảo vệ lợi ích của các ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Về công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời gian qua, về phía Bộ Công Thương đã tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ; kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu; thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo sớm.
Cơ quan hải quan cũng đã tăng cường kiểm tra gian lận xuất xứ và xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có mặt hàng rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
This browser does not support the video element.
Theo bà Nguyễn Trang Nhung, với sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành, Hiệp hội, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, nhiều vụ việc doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và tạo lợi thế xuất khẩu: EU, Canada, Australia, Hoa Kỳ,…
Thành công chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu: Canada, Australia,… 4/5 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO kết thúc với kết quả tích cực cho Việt Nam. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xuất khẩu không hợp tác với cơ quan điều tra thì mức thuế thường ở ngưỡng rất cao.
Dù vậy, vẫn còn những khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Theo bà Nguyễn Trang Nhung nguyên nhân là do khác biệt về nội luật, quy định, thủ tục, trình tự điều tra về phòng vệ thương mại; khác biệt về ngôn ngữ trong việc nghiên cứu, cung cấp thông tin; hiểu biết của doanh nghiệp về lĩnh vực phòng vệ thương mại còn hạn chế; thông tin doanh nghiệp không cụ thể, rõ ràng.
Để ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Trang Nhung khuyến nghị về phía cơ quan nhà nước cần phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình cung cấp thông tin. Chủ động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại (Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”.
Về phía các hiệp hội cần phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý; đại diện bảo vệ lợi ích chung của ngành.
Về phía doanh nghiệp, cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước; dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết; xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng.