Bộ Công an điều động nhiều nhân sự lãnh đạo mới Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền về vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu Bộ Công an đề xuất 189 hành vi vi phạm giao thông có thể bị trừ điểm bằng lái |
Hội nghị DGICM lần thứ 27 năm 2024 do Việt Nam đăng cai tổ chức sắp diễn ra từ ngày 12 - 16/8/2024, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Đây là hội nghị thường niên để các nước thành viên ASEAN trao đổi tình hình, những vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự; đưa ra các sáng kiến, biện pháp và cơ chế để tăng cường hợp tác xuất nhập cảnh trong khối, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và đấu tranh phòng chống xuất nhập cảnh trái phép.
Hội nghị DGICM lần thứ 26. |
Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị DGICM từ năm 1996 và đã tham gia các hoạt động của tổ chức này với tinh thần trách nhiệm cao. Trước đó, Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM vào năm 2003 (DGICM 7) tại Hà Nội và năm 2013 (DGICM 17) tại TP. Hồ Chí Minh, được các đại biểu đánh giá, ghi nhận tích cực, góp phần nâng cao được vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đáng chú ý, năm 2003, tại DGICM lần thứ 7, đoàn đại biểu Việt Nam đã đưa ra sáng kiến xây dựng “Hiệp định khung ASEAN về miễn thị thực” được Hội nghị đánh giá cao và nhất trí báo cáo lên Ủy ban Thường trực ASEAN xem xét trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN. Đây là lần đầu tiên một sáng kiến đưa ra được Hội nghị thông qua ngay, sáng kiến này được các đoàn đại biểu hưởng ứng, góp phần thúc đẩy vấn đề miễn thị thực cho công dân các nước trong hội thành viên.
Theo cơ chế luân phiên và theo đề nghị của Ban Tổ chức, Việt Nam sẽ là nước đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27 năm 2024. Hội nghị do Bộ Công an chủ trì tổ chức và Bộ Ngoại giao phối hợp chuẩn bị nội dung. Thời gian diễn ra từ ngày 12 – 16/8/2024 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, dự kiến sẽ có khoảng gần 200 đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên từ các thành viên của DGICM tham gia.
Chủ đề của DGICM lần thứ 27 tại Việt Nam năm 2024 là “An ninh toàn diện, tăng cường kết nối, hướng tới tương lai”. Bao gồm các nội dung chính:
(1) Hội nghị Những người đứng đầu Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN lần thứ 27 (DGICM 27): Đây là cuộc họp chính thức, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nước chủ nhà sẽ được bầu làm Chủ tịch cuộc họp. Từng nước thành viên sẽ có bài phát biểu, báo cáo quốc gia, trong đó: trao đổi tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những biện pháp mới trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự. Thảo luận tiến độ và phương hướng thực hiện các sáng kiến, cơ chế hợp tác DGICM.
(2) Diễn đàn Những người đứng đầu cửa khẩu chính ASEAN lần thứ 7 (AMICF 7): Diễn đàn sẽ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý các cửa khẩu lớn trong ASEAN và đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý cửa khẩu.
(3) Diễn đàn trao đổi thông tin xuất nhập cảnh ASEAN lần thứ 19 (AIIF 19): Diễn đàn sẽ thảo luận về các cơ chế, biện pháp trao đổi thông tin xuất nhập cảnh trong khối ASEAN, cập nhật đầu mối trao đổi thông tin liên lạc của mỗi nước, cập nhật việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định thư về chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh (IDSP).
(4) Cuộc họp Những người đứng đầu đơn vị phòng chống đưa người di cư trái phép lần thứ 3 (HSU3): Cuộc họp sẽ trao đổi về các xu hướng và những thách thức của tội phạm đưa người di cư trái phép trong khu vực và những nỗ lực nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này.
(5) Cuộc họp Tham vấn DGICM-Úc lần thứ 19: Cuộc họp đánh giá, thảo luận về chương trình hợp tác đào tạo giữa ASEAN và Úc nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ xuất nhập cảnh, thảo luận Chương trình làm việc ASEAN - Úc.
(6) Cuộc họp Tham vấn DGICM + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 3: Cuộc họp sẽ trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, lãnh sự và xác định các lĩnh vực hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước cộng ba.
Ngoài 06 cuộc họp trên, có thể còn có các cuộc họp song phương bên lề giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ASEAN, chủ yếu trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Các cuộc họp này không phải là cuộc họp chính của Hội nghị.
Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội nghị DGICM. Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau hơn 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2013. Việc một lần nữa đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27 là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới. DGICM lần thứ 27 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 30 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị DGICM (1996 - 2026).
DGICM bao gồm 10 cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự của 10 quốc gia là thành viên chính thức: Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia. Ngoài ra, DGICM còn mở rộng hợp tác với các Đối tác đối thoại như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng cường hợp tác trong đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, quản lý biên giới, kỹ năng kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ giả, trao đổi thông tin... cho cán bộ xuất nhập cảnh các nước ASEAN.
Hội nghị DGICM được thành lập năm 1996 tại Lào. Đây là cơ chế họp thường niên và luân phiên của Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao các nước trong khu vực ASEAN. Đến nay, DGICM đã tổ chức thành công 26 kỳ hội nghị ở các nước khác nhau trong khu vực: Myanmar (3 lần), Philippines (3 lần), Singapore (3 lần), Thái Lan (3 lần), Malaysia (3 lần), Việt Nam (2 lần), Brunei (2 lần), Campuchia (2 lần), Indonesia (3 lần), Lào (2 lần).
Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, DGICM đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như góp phần đưa ASEAN trở thành một khu vực ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng và tạo động lực phát triển và liên kết về an ninh, an toàn trên toàn cầu. Các quốc gia thành viên có diễn đàn hằng năm để chia sẻ các phương pháp, quy trình quản lý trại giam hiệu quả đã được áp dụng trong thực tiễn, giúp các quốc gia học hỏi và cải thiện công tác quản lý xuất nhập cảnh. Qua đó, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác quản lý xuất nhập cảnh.