Thứ tư 27/11/2024 15:47

Việt Nam có nguy cơ ‘lỡ hẹn’ mục tiêu về tiếp cận nước sạch

Sáng ngày 26/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức tọa đàm ‘Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách’. Tọa đàm thu hút sự tham gia của đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp nước sạch.

Chênh lệch tiếp cận nước sạch giữa thành thị và nông thôn

Đánh giá bước đầu về quyền tiếp cận nước sạch và thị trường nước sạch ở Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS cho biết, theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%. Đặc biệt, xem xét tỷ lệ này giữa thành thị và nông thôn trên toàn quốc có thể thấy sự chênh lệch rất lớn khi tỷ lệ hộ gia đình tại thành thị tiếp cận được nước máy đạt 84,2% trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.

“Việt Nam đang có nguy cơ lỡ hẹn đối với mục tiêu năm 2025 đó là 95% đến 100% người dân thành thị và 93% đến 95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Đặc biệt, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước máy rất hạn chế, mới chỉ đạt xấp xỉ 35% số hộ vào năm 2019”, ông Nguyễn Quang Đồng cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Đồng, hiện giá nước sạch được điều tiết bởi Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định. Như vậy, giá nước ở các địa phương là khác nhau.

Trên thực tế, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp, thêm vào đó, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh. Thậm chí, có những địa phương như Hà Nội không điều chỉnh giá nước trong gần 10 năm qua.

“Đang có một nghịch lý, nếu không điều chỉnh giá nước, doanh nghiệp không đủ chi phí, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch”, ông Nguyễn Quang Đồng đặt vấn đề và cho rằng, trên thị trường, vai trò điều tiết, quản lý nhà nước cũng bị phân mảnh, việc quá nhiều đầu mối khiến các việc lập dự toán đầu tư mới của các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó khăn.

Cập nhật về tiếp cận nước sạch của người dân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho hay, hiện người dân thành thị sử dụng nước sạch lên khoảng 92%, người dân nông thôn có nước hợp vệ sinh vào khoảng 80%, còn đối với nguồn nước sạch con số này chỉ đạt khoảng 51%. Như vậy, nguy cơ ‘lỡ hẹn’ với mục tiêu năm 2025 về tiếp cận nước sạch là hiện hữu, nhất là vấn đề nước sạch nông thôn. Ngoài ra, các vấn đề sử dụng nước lãng phí hay nguy cơ ô nhiễm trầm trọng; cơ chế giá cũng đang có nhiều bất cập trong khi chưa xây dựng được lộ trình tăng giá nước; khoa học công nghệ đầu tư của ngành nước cũng đang lạc hậu so với thế giới đặt ra những thách thức cho ngành này.

Trong tiến trình hướng đến mục tiêu mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, Việt Nam đã tiến hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thiết yếu này cho xã hội. Theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù chủ thể thực hiện cung cấp dịch vụ công là Nhà nước, tư nhân hay các thiết kế xã hội dân sự, thì trách nhiệm đảm bảo cung cấp thực hiện dịch vụ là của Nhà nước và 3 nguyên tắc phải tuân thủ để thiết kế thị trường này là: tính liên tục; quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân và giá cả phù hợp. Điều này có nghĩa nếu chưa có nước sạch thì Nhà nước phải đảm bảo cho người dân có nước; với giá cả phải chăng và không để xảy ra tình trạng mất nước trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, soi chiếu với các nguyên tắc trên, cả về khả năng tiếp cận lẫn tính bình đẳng trong tiếp cận dịch cụ nước sạch đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Điều đó một phần do tiến trình xã hội hóa, xây dựng thị trường dịch vụ công nước sạch chưa thực sự hợp lý, hiệu quả.

Cần thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể

Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, trong khi Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thì đồng thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường cả về giá và về khối lượng được mua dưới công suất. Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm trục lợi chính sách và cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, những vấn đề lớn về chính sách cần giải quyết bao gồm: Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong cung cấp dịch vụ nước sạch như thế nào? Cấu trúc thị trường phân định tư nhân tham gia khâu nào? Cơ chế thu hút hợp tác công tư cho đầu tư từ tư nhân đối với mạng lưới cấp nước/thoát nước thải sinh hoạt là gì? Ngoài ra là các vấn đề về cơ chế giá và lợi nhuận cho ngành, vấn đề quy hoạch và điều phối liên vùng, cơ quan điều tiết thị trường.

Ông Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị, cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng đang triển khai.

Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường. Do đó, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất, nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt. “Tương tự như ngành điện có Luật Điện lực, cần có một văn bản ở cấp độ luật để tạo lập khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch”, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, các đại biểu đều cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, đảm bảo được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. “Một văn bản như Luật là cần thiết và Chính phủ nên sớm đề xuất để Quốc hội xem xét. Cùng với đó, cơ chế, chính sách cần được quản lý đồng bộ, hiệu quả từ cấp Trung ương đến cấp địa phương và phải được giám sát thực thi hiệu quả. Ngoài ra, việc đảm bảo phòng chống ô nhiễm nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn nguồn nước”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân khuyến nghị.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông: Dịch vụ nước sạch là dịch vụ công hết yếu. Thị trường nước sạch thông thường là thị trường do Nhà nước kiểm soát. Nếu không có sự rành mạch trong cấu trúc thị trường thì sự tham gia của doanh nghiệp - công và tư có thể bị rối loạn. Việc Nam hiện nay cho phép tư nhân tham gia vào cung cấp nước sạch nhưng lại không hình thành được sự phân định rõ ràng, nhiều địa phương đang “rối” trong thị trường nước sạch - tiêu biểu phải kể đến Hà Nội.
Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết biển ngày 27/11/2024: Hôm nay biển động

Dự báo thời tiết hôm nay: Cập nhật tin gió mùa Đông Bắc

Dự báo thời tiết hôm nay 27/11/2024: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét

Tối 26/11, thêm khách hàng trúng Vietlott Power 6/55 nhiều tỷ đồng

Bình Thuận: Thu hồi 11 giấy phép xe tập lái cải tạo trái phép

Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi

Trường Quản trị và Kinh doanh ra mắt tạp chí Quản trị, An ninh và Công nghệ​

Nhiều điểm cần chú ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2025

Đà Nẵng: Xử lý 144 tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sản thế nào?

Thanh Hóa tuyên truyền, vận động người dân giao nộp hàng nghìn loại vũ khí, vật liệu nổ

Trao tặng mũ bảo hiểm và hướng dẫn an toàn giao thông cho học sinh lớp 1 khu vực phía Nam

Bài 2: Khi phụ nữ được trao quyền "dẫn dắt" doanh nghiệp

Nhân sự 25/11: Đồng ý cho các ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Thể thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng

Dự báo thời tiết biển hôm nay 26/11/2024: Nam Biển Đông có mưa rào và dông

Dự báo thời tiết hôm nay 26/11/2024: Bắc Bộ trời chuyển rét, Trung Bộ mưa lớn

Đã tìm ra quán quân đại sứ truyền thông Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - HUIT'S Iconic 2024

Cách đăng nhập Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bằng tài khoản VneID

Hà Nội và Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP

Quảng Bình: Xe tải chở 30 con bò lao xuống vực, tài xế tử vong

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực