Tham gia đoàn công tác còn có đại diện của Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công Thương một số địa phương...
Phiên đối thoại giữa đoàn Việt Nam với GIZ và Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời Fraunnhofer ISE |
Các thành viên được chia làm hai nhóm công tác: Nhóm Hiệu quả năng lượng và nhóm Năng lượng tái tạo; sẽ làm việc với Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời Fraunhofer ISE (trực tuyến); Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (BNetzA); Tổ chức năng lượng gió ngoài khơi Đức; Học viện Năng lượng tái tạo Đức (RENAC)…
Ngày 30/3, một số đại biểu sẽ tham gia sự kiện Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin 2022 để tìm hiểu những kinh nghiệm và bài học mà Đức đã đạt được trong quá trình phát triển thị trường năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng những năm gần đây; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Ngày Năng lượng Việt - Đức chính thức diễn ra vào ngày 31/3, là khởi động các hoạt động về chuyển dịch năng lượng giữa Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) và Bộ Công Thương Việt Nam, đồng thời tạo điểm khởi đầu cho việc trao đổi kinh nghiệm cấp cao.
Nền kinh tế Đức là nền kinh tế lớn và đã phát triển với GDP đứng thứ 4 trên thế giới. Nhờ đó, Đức đứng thứ sáu toàn cầu về tiêu thụ năng lượng từ năm 2004 đến năm 2007. Năm 2002, Đức là nước tiêu thụ điện lớn nhất châu Âu với tổng lượng điện tiêu thụ là 512,9 TWh. Năm 2021, sản lượng điện ròng của Đức đạt 541TWh.
Chìa khóa của các chính sách năng lượng và chính trị của Đức là “Energiewende”, nghĩa là “cải cách năng lượng” hoặc “chuyển đổi năng lượng”. Đức dự định loại bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 2022. Một số nhà máy đã bị đóng cửa sớm hơn dự kiến. Tổng hợp các nguồn nhiên liệu hóa thạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đánh giá là đủ để thay thế công suất phát điện hạt nhân hiện nay. Chính sách này bao gồm quy định loại bỏ dần điện hạt nhân và thay thế dần nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo.
Chính phủ Đức đã đặt mục tiêu đáp ứng 100% nhu cầu điện của cả nước từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2050 và trở thành quốc gia trung hòa với khí hậu vào năm 2045.
Trong thập kỷ qua, Đức đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng không ổn định và liên tục. Năng lượng gió đã trở thành nguồn năng lượng tái tạo quan trọng nhất trong lĩnh vực sản xuất điện, với công suất lắp đặt là 59,4 GW vào năm 2018, đứng sau đó là năng lượng mặt trời (45,9 GW vào năm 2019), với sản lượng tăng mạnh trong 5 năm qua.
Mức tăng trưởng này đã làm gia tăng đáng kể tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Đức, song nó cũng khiến giá thị trường giao ngay đi xuống (và thậm chí đôi khi xuống mức âm) trên các sàn giao dịch năng lượng và đồng thời gây ra hiệu ứng lấn át của thời gian vận hành của các nhà máy điện truyền thống do chậm trễ trong việc ngừng hoạt động các nhà máy này. Vào năm 2020, năng lượng tái tạo chiếm hơn 50% sản lượng điện ròng của Đức
Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao từng năm. Với tiềm năng lớn, năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai nhằm bổ sung nguồn cung cho ngành năng lượng trong bối cảnh các nguồn sơ cấp đang dần cạn kiệt. Chuyến công tác là cơ hội để phát triển nhiều ý tưởng phục vụ triển khai quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, đồng thời cải thiện hiệu quả năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo, thời gian qua, Chính phủ CHLB Đức đã phối hợp với Bộ Công Thương trong chương trình hợp tác kỹ thuật “Chương trình Hỗ trợ năng lượng” do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Bộ Công Thương phối hợp thực hiện. |