Ông Nguyễn Trọng Cử (giữa) đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá tầm cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Uzbekistan, ông Mirzaev Zoiyr (bên trái) |
Khởi nghiệp bằng nông nghiệp
Nhớ lại thời điểm năm 2000 khi quyết định chuyển cả gia đình về Việt Nam sinh sống, ông Nguyễn Trọng Cử cho biết, thời điểm ấy, công việc và cuộc sống của ông tại Đức khá thuận lợi, vợ và các con đều sinh sống tại đó. Nên khi có ý định quay trở lại Việt Nam, bạn bè và nhiều người còn cho rằng ông đang “đi ngược” với mong muốn của nhiều người, nhưng tình cảm với quê hương, với những người dân Việt Nam hồn hậu, chân chất luôn thôi thúc ông quay về.
Bên cạnh đó, vợ ông – bà Anke Friedel Nguyễn rất yêu Việt Nam, từ khi còn là một cô sinh viên sống tại Đức, bà đã chọn chuyên ngành Việt Nam học để nghiên cứu. Sau khi đi làm, bà cũng tham gia rất nhiều các chương trình, dự án chính phủ Đức hỗ trợ cho Việt Nam. Tình yêu Việt Nam đã ngấm vào con người bà, nên bà luôn muốn cả gia đình quay lại Việt Nam, để các con cảm nhận được truyền thống văn hóa tại quốc gia của chồng mình.
Sau một thời gian trở về Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Cử cho biết, không cảm thấy ân hận hay tiếc nuối, đồng thời cho rằng, đây là một quyết định sáng suốt. Bởi đúng như vợ ông đã nói, nếu không phải thời điểm ấy, thì sẽ không bao giờ ông quay trở lại Việt Nam và sẽ không bao giờ ông có được những trải nghiệm như ngày hôm nay.
Nói về lý do chọn lĩnh vực nông nghiệp để “khởi nghiệp” khi quay trở lại quê hương, cụ thể là nuôi cá tầm – một lĩnh vực rất mới mẻ, lại chưa từng có tiền lệ tại tại Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Cử cho biết, một trong những lý do chọn lĩnh vực nông nghiệp bởi, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, nhưng lại chưa phát huy được để phát triển.
Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông mong muốn đưa những sản phẩm nông nghiệp sạch, cao cấp về Việt Nam, để du khách quốc tế đến Việt Nam có thêm sự lựa chọn cho thực đơn của mình. Đồng thời với đó, lựa chọn nuôi cá tầm tại Việt Nam là bởi, Đức là một quốc gia rất phát triển ngành này, nhưng ở Việt Nam vẫn là con số 0, song với nhạy cảm của mình, ông nhìn thấy được những cơ hội phát triển rất lớn của lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, ông Cử cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế khá tốt, được khu vực và thế giới đánh giá cao, đời sống người dân được cải thiện, Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế và văn hóa thế giới, nên người Việt Nam cũng sẵn sàng thưởng thức những thực phẩm mới trong thực đơn hàng ngày của mình.
Bên cạnh những thuận lợi, thời gian đầu đưa con cá tầm, cá hồi vào Việt Nam, ông Cử cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, do là người đầu tiên xây dựng mô hình này, loại hình chăn nuôi này khá mới mẻ, cùng với đó, môi trường đầu tư tại Việt Nam thời điểm đó chưa thực sự thuận lợi, “học phí” cho những doanh nghiệp khởi nghiệp như ông Cử khá cao. Song sau gần 20 năm kinh doanh tại Việt Nam, ông Cử cho rằng, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có sự thay đổi khá tích cực, thuận lợi hơn cho những doanh nghiệp hoạt động.
Cơ hội lớn cho cá tầm Việt Nam
Với quyết tâm và tình yêu với quê hương, ông đã nỗ lực rất nhiều, tìm hiểu điều kiện sống của cá tầm, cá hồi và mạnh dạn đầu tư về Việt Nam. Đến nay, ông Cử đã rất thành công với mô hình nuôi cá tầm tại Việt Nam với 3 trang trại nuôi cá tầm tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sapa (Lạng Sơn) và Đà Bắc (Hòa Bình), đây là đều là những vùng có khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho nghề nuôi cá nước lạnh phát triển.
Bên cạnh việc cung cấp cá thịt ra thị trường thông qua hệ thống nhà hàng Thác Bạc tại một số địa phương như Lạng Sơn, Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Cử còn cung cấp cá tầm giống cho các trang trại nuôi cá tầm tại Việt Nam. Nhờ đó, nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam đã bắt đầu phát triển mạnh, nhận được sự quan tâm của thị trường trong nước và cộng đồng quốc tế.
Theo nhận định của đại diện Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Việt Nam, so với cá tầm nhập khẩu, cá tầm được nuôi trong nước có giá không đắt hơn mà chất lượng lại tốt hơn rất nhiều. Nhờ đó, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã mong muốn hợp tác với Việt Nam trong phát triển nghề nuôi cá tầm.
Cụ thể, vào giữa tháng 3/2018, một phái đoàn chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của CHLB Đức đã có chuyến công tác tại Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi cá tầm. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, nhận định về nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam, ông Martin Oberle – Viện Thủy sản thuộc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp bang Bavaria – CHLB Đức cho rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và tiêu thụ cá tầm, chất lượng cá tầm của Việt Nam cũng được đánh giá cao, không thua kém gì cá được nuôi ở các quốc gia châu Âu. Đây là cơ sở rất lớn để CHLB Đức hợp tác với Việt Nam trong phát triển nghề nuôi cá tầm.
Trước đó, vào tháng 2/2018, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Uzbekistan, ông Mirzaev Zoiyr cùng Đoàn công tác của Uzbekistan cũng đã dành trọn một ngày lên trang trại của ông Nguyễn Trọng Cử tại Đà Bắc (Hòa Bình) để tận mắt chứng kiến mô hình nuôi cá tầm của của việt kiều Đức. Tại đây, một biên bản hợp tác nuôi cá giữa hai quốc gia đã được ký kết, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp đầy tiềm năng.