Nhu cầu đầu tư lớn
Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), hiện tổng công suất cấp nước đạt 9 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung mới đạt 85,5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất thoát nước sạch (NRW) trung bình 21,5%. Đối với hệ thống thoát nước, tỷ lệ bao phủ mạng lưới thoát nước, thu gom xử lý nước thải đạt 65%; tỉ lệ thu gom xử lý nước thải qua các trạm xử lý tập trung đạt 13%-15%.
Việt – Đức: Hợp tác đầu tư trong lĩnh vực ngành nước |
Theo Chủ tịch VWSA - ông Cao Lại Quang, hiện ngành nước của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tồn tại như hệ thống cấp thoát nước chưa đồng bộ, phạm vi phục vụ thấp, tỷ lệ tiêu hao cao và còn lãng phí, tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý lớn gây ô nhiễm môi trường...
Ông Frank Pogade - Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tilia GmbH tại Việt Nam - nhận định, ô nhiễm nước đang gia tăng trên cả nước. Chất lượng nước mặt đang suy giảm đi ở tốc độ đáng báo động và làm suy giảm chất lượng nước ngầm, ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng triệu người (muối, asen, thuốc trừ sâu). Thực thi pháp luật không hiệu quả và những đối tượng gây ô nhiễm vẫn đang vi phạm pháp luật và các quy định mà không chịu hậu quả gì chính là một trong những lý do chính làm gia tăng ô nhiễm nước.
Hiện, nhà máy nước ngầm, mạng lưới cấp nước đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay với công nghệ lạc hậu cần được nâng cấp, thay thế bằng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nước cấp, tiến tới uống tại vòi. Việc hoàn thiện hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải hay việc sử dụng nước chưa tiết kiệm, lãng phí nước đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
Dự kiến, nhu cầu sử dụng nước sạch đô thị đến năm 2020, ước tính cả nước vào khoảng 9,4 - 9,6 triệu m3/ngày đêm. Về nhu cầu đầu tư hệ thống nước sạch, theo số liệu của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ vào khoảng 57.600 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cần nguồn vốn 14.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư thoát nước thải giai đoạn 2017 - 2020 là 122.000 tỷ đồng, mỗi năm cần 30.500 tỷ đồng.
Hợp tác đầu tư
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Cao Lại Quang cho hay, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu đổi mới cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ, thu hút đầu tư... Trong đó đặc biệt coi trọng hợp tác quốc tế để học hỏi những kinh nghiệm triển khai, quản lý ngành nước. Hiện nước Đức đang triển khai ba dự án trong ngành nước tại Việt Nam và đem lại hiệu quả tốt.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam - ông Christian Berger - cho biết, trước đây, Đức cũng có rất nhiều dòng sông bị ô nhiễm, người dân ít được tiếp cận nguồn nước sạch. Nhưng nhờ chú trọng giải quyết các vấn đề của ngành nước, đến nay, 99,8% các hộ gia đình tại Đức đã được xử lý nước thải sinh hoạt. Nguồn nước sử dụng được xử lý bảo đảm chất lượng, có thể uống trực tiếp tại vòi. Tỷ lệ nước thất thoát chỉ 6,8%, thấp nhất thế giới.
Hiện tại Đức có hàng trăm DN làm việc trong ngành nước. Việc quản lý và vận hành ngành nước tại Đức có ba nguyên tắc chung là: Tính phí nước thải, nước sử dụng phải bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường chung. Để làm được điều này thì công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Công nghệ của Đức về xử lý các vấn đề của ngành nước đã được đánh giá cao trên thế giới. Đức luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành nước nhận định, việc khuyến khích các nhà đầu tư, DN tham gia triển khai các dự án trong ngành nước bằng những công nghệ, thiết bị mới, hiện đại nhất sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết các tồn tại hiện nay.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay thiếu những hướng dẫn cụ thể về chính sách thu hút nguồn lực đầu tư khối tư nhân; Giá nước chưa tính đủ các chi phí mới phát sinh; Giá dịch vụ thoát nước triển khai chậm, chưa đồng bộ, hầu hết điạ phương vẫn thu bằng 10% giá nước sạch… Do đó, cần có khung chính sách cụ thể và đồng nhất để giúp Việt Nam thu hút được đông đảo nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Frank Pogade - Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tilia GmbH tại Việt Nam - nhận định: Ngành nước Việt Nam vẫn là một thị trường thú vị cho nhà đầu tư quốc tế. |