Viện trưởng Lê Minh Trí nêu giải pháp để cán bộ "không muốn, không dám tham nhũng"
Án hành chính liên quan nhiều đến đất đai
Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng nêu, qua thực tế và qua giải trình của đồng chí Viện trưởng cho thấy việc xét xử các vụ án hành chính còn gặp nhiều khó khăn, bất cập và trở ngại từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn chiều 20/3 |
Cụ thể, trong công tác tống đạt các văn bản tố tụng, trong việc trả lời thông báo thụ lý vụ án của Tòa án và trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án rất chậm, người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng bằng nhiều lý do khác nhau.
Tuy nhiên, sau quá trình vất vả của Hội đồng xét xử là một quá trình gian nan của công tác thi hành án. Trên thực tế, tỷ lệ thi hành án hành chính đạt tỷ lệ không cao, nhiều bản án thi hành nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Theo báo cáo cho thấy có 489 bản án, trong đó có 208 bản án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án của tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.
“Với những tồn tại nêu trên, trên tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính và có giải pháp cụ thể ra sao trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ này” - đại biểu đoàn Lâm Đồng đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, án hành chính có trở ngại khó khăn, kể cả khách quan, chủ quan. Nhận thức được khó khăn đó nên thời gian qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện kiểm sát các cấp tập trung kiểm soát chặt chẽ việc xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế và việc xét miễn, giảm thi hành án.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng nâng cao chất lượng kiểm sát trực tiếp và quan tâm kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị đã ban hành, tập trung giải pháp góp phần nâng tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, chức vụ. Tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát, kiểm sát thi hành án dân sự.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự các cấp, chủ động, tích cực rà soát những bản án, quyết định, tòa án tuyên không rõ, khó thi hành và những việc thi hành án tồn đọng, kéo dài, khiếu kiện phức tạp để cùng tháo gỡ, giải quyết. Đồng thời, yêu cầu phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật trong thi hành án hành chính để kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân khắc phục những vướng mắc, nâng cao hiệu quả giải quyết cũng như thi hành án hành chính.
Theo ông Lê Minh Trí, ở đây có một nguyên tắc gọi là công bằng, khi là người thi hành án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng như Ủy ban nhân dân các cấp phải gương mẫu thi hành. Thực tế, qua các vụ án, việc thi hành những bản án này hết sức khó khăn, có những lý do bên trong. Sự trì trệ này phải giải quyết căn cơ từ hệ thống pháp luật của chúng ta.
Đặc biệt, liên quan tới án hành chính, đến khiếu kiện, khởi kiện cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước liên quan rất nhiều đến đất đai. Nếu chúng ta giải quyết tốt được các bất cập trong Luật Đất đai, chắc chắn sẽ giảm, nếu không bản án ra đã khó, việc thi hành còn khó hơn. Đây là sự phối hợp của các cơ quan với nhau, trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ chủ động để tháo gỡ và giải quyết tốt nhất có thể, nhưng để thỏa mãn như đại biểu mong muốn, cần phải có thời gian và đồng bộ giữa các giải pháp.
Cán bộ hết sức khó khăn nếu tự sống bằng đồng lương
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, Luật Tố tụng hình sự cho phép quyền hạn công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tin tố giác, tin báo về tội phạm để chống oan sai, phòng ngừa bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, lực lượng công an xã chưa đủ chín để làm nhiệm vụ này. Vậy Viện kiểm sát có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trên?
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực kinh tế và tham nhũng. "Với chức năng là kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Viện trưởng có giải pháp hữu hiệu nào nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để phòng ngừa, răn đe loại tội phạm này, để họ không dám, không muốn và không làm ăn phi pháp để yên lòng dân" - đại biểu đoàn Đồng Tháp chất vấn.
Về vấn đề này, Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời, Luật Tố tụng hình sự vừa qua được điều chỉnh bổ sung cho phép công an xã được thụ lý tin báo tố giác tội phạm sơ bộ bước đầu. Thời gian qua chất lượng công an xã cũng được nâng lên, bởi nhiều công an chính quy đã được Bộ Công an điều về công an xã. Việc cho công an xã thực hiện chức năng này, giúp chúng ta chủ động giải quyết ngay từ đầu ở cơ sở để tình hình không trở nên nóng và phức tạp. Đây là chủ trương đúng.
Về mặt kiểm sát làm sao thụ lý tin báo tốt, ông Lê Minh Trí cho biết đã chỉ đạo trong ngành để phối hợp với cơ quan điều tra của công an huyện với Viện kiểm sát để quán triệt xử lý yêu cầu kiểm sát thụ lý tin báo tố giác tội phạm với những yêu cầu đặt ra cụ thể.
Đến nay, có khoảng 10 tỉnh đã triển khai chỉ thị, đảm bảo kiểm sát phải phối hợp để thực hiện chức năng kiểm sát thụ lý tin báo tố giác cấp xã.
“Trên 710 huyện, nhân lên là 11.000 xã, chỉ cần một huyện cho một kiểm sát viên để thực hiện chức năng kiểm sát thụ lý tin báo tố giác tội phạm, chúng tôi cần tới 710 kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ này” - ông Lê Minh Trí nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các giải pháp để cán bộ "không muốn, không dám và không thể tham nhũng", Viện trưởng Lê Minh Trí đưa ra 3 giải pháp.
Để “không thể” tham nhũng, thể chế, cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không để lợi dụng.
Để “không dám”, với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi sẽ điều tra xử lý nghiêm, giúp răn đe, làm cho đối tượng có ý đồ không lành mạnh, vi phạm pháp luật phải “sợ”. Đây là chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng hiện nay. Theo đó, đã có tác động đáng kể vào tư tưởng của những người có ý đồ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Còn để “không muốn”, ông Trí kiến nghị cần có chế độ chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức.
Theo Viện trưởng, hiện chế độ chính sách cho cán bộ các cấp nói chung, mặc dù thời gian qua đã có nhiều cố gắng, có chế độ định kỳ tăng lương, nhưng “hình như với chế độ, chính sách hiện hành hiện nay, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình hết sức khó khăn”.
“Còn lại một tỷ lệ sống được cũng nhờ vào các nguồn khác. Có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng… Tức là có sự hỗ trợ cho nhau để hoàn thành công việc, còn chế độ như hiện nay thì cán bộ rất khó khăn, đặc biệt là cấp cơ sở” - ông Trí nói.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị, bên cạnh việc đòi hỏi công việc tốt, cũng phải nghiên cứu để có lộ trình, giải pháp để có chế độ chính sách đảm bảo mức tối thiểu cho cán bộ an tâm công tác.
Bày tỏ sự chia sẻ về nguồn ngân sách hiện nay có hạn, nhưng theo ông Trí, cũng phải luôn quan tâm đến việc này để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức có tâm huyết, nhiệt huyết đang muốn làm, muốn giữ gìn đạo đức trong sáng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trong công việc.