Thứ ba 26/11/2024 14:14

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu: Khẳng định vị thế, uy tín trong hoạt động khoa học

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành của Bộ Công Thương trong lĩnh vực dầu và cây có dầu. Với việc triển khai hiệu quả nhiều đề tài, dự án, Viện đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sản xuất ngành dầu thực vật và ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đóng góp lớn cho sản xuất trong nước

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu được thành lập ngày 17/7/1980. Hiện Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Công Thương có chức năng nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ và sản xuất - kinh doanh về ngành công nghiệp chế biến dầu và cây có dầu theo quy định của pháp luật phục vụ sản xuất và phát triển ngành nông công nghiệp của đất nước.

Đến nay, Viện có đội ngũ cán bộ khoa học với 14 cán bộ có trình độ trên đại học, 24 kỹ sư có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực dầu thực vật và cây có dầu. Hệ thống phòng thí nghiệm với các trang thiết bị từng bước hoàn thiện và khá đầy đủ, phục vụ tốt công tác nghiên cứu và đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chuyển giao quy trình canh tác cây lạc cho nông dân Bình Thuận

TS. Lê Công Nông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cho biết, nghiên cứu đa dạng hóa về các giống cây có dầu là một trong những thế mạnh của Viện và có nhiều đóng góp cho sản xuất trong những năm qua. Hầu hết các đề tài đã tập trung vào nghiên cứu các giống cây có dầu như lạc, đậu tương, vừng, dừa, hướng dương, cải dầu, dầu mè (Jatropha), cây tinh dầu...

Nhờ công tác nghiên cứu khoa học của Viện gắn với thực tế sản xuất, cho nên sau nhiều năm nghiên cứu, Viện đã chọn lọc, lai tạo được nhiều giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia. Những giống này đã góp phần không nhỏ vào việc mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các cây có dầu.

Điển hình như, Viện đã bảo tồn và lưu giữ được tập đoàn giống dừa gồm 51 giống, bao gồm các giống dừa có nguồn gốc trong nước và nhập nội, trong đó có nhiều giống dừa có đặc tính quý, hiếm như dừa Sọc, Sáp, Dứa… Viện đã được Tổ chức Quỹ gen cây dừa quốc tế (COGENT) công nhận là thành viên thuộc Mạng lưới di truyền tài nguyên cây dừa quốc tế.

Đến nay đã có 19 giống được dùng trong nghiên cứu lai tạo 28 giống dừa mới. Trong đó, các giống dừa Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo, Dứa, Sáp đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống chính thức, các giống được công nhận tạm thời và cho phép sản xuất thử bao gồm dừa Bung, dừa Tam Quan, dừa lai PB121, dừa lai JVA1 và dừa lai JVA2. Hiện nay, các giống dừa do Viện sản xuất có chất lượng cao (cây khỏe, không sâu bệnh, đúng giống), được bà con nông dân và các đơn vị trồng dừa tin tưởng tiêu thụ.

Viện cũng đã nghiên cứu chọn tạo các giống lạc có năng suất cao, chất lượng tốt và đã đưa ra sản xuất từ nhiều năm nay. Trong đó, các giống VD1 và VD2 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống quốc gia, các giống VD5, VD6, VD7, VD8 được công nhận giống tạm thời. Các giống lạc này nằm trong 10 giống lạc có diện tích sản xuất lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.

Trong giai đoạn qua, mỗi năm Viện đã cung cấp cho các Trung tâm Khuyến nông và nông dân từ 100-150 tấn lạc giống. Hàng năm, Viện đã được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thu thập, bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây lạc. Các giống VD01-1 và VD01-2 đang được lưu giữ có năng suất từ 3,5 - 4 tấn/ha, hàm lượng dầu từ 50-52%.

Bên cạnh đó, Viện đã nghiên cứu tuyển chọn các giống vừng mới như V6, V36, V10, VDM34, VDM3 đạt năng suất, hàm lượng dầu cao, được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống cho sản xuất thử ở các tỉnh phía Nam và Bắc Trung Bộ. Viện cũng được nhà nước giao thu thập, bảo tồn và lưu giữ 90 mẫu giống vừng tại các trung tâm của Viện. Trong đó, giống vừng vàng VV12 và vừng đen VĐ3 có năng suất 1,3 - 1,5 tấn/ha có triển vọng trong sản xuất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Viện đã được nhà nước giao thu thập, bảo tồn và lưu giữ được 109 mẫu giống đậu tương. Viện đang nghiên cứu các giống đậu tương triển vọng từ nguồn gen lưu trữ, bước đầu cho thấy các giống đậu tương VDT7, VDT8, VDT9 có năng suất trên 2,5 tấn/ha, hàm lượng dầu cao (>20%) phù hợp với điều kiện sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Một đặc điểm nổi bật về công tác nghiên cứu khoa học của Viện là các đề tài không những tập trung vào việc phát triển nguyên liệu cây có dầu phục vụ cho mục đích thực phẩm, mà còn chú ý đến những cây có dầu phục vụ cho mục đích làm nhiên liệu trong chương trình năng lượng xanh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chẳng hạn như đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi của các giống cây có dầu mới sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất Biodiesel”, hay đề tài “Nghiên cứu phát triển cây Jatropha sử dụng làm nguyên liệu sản xuất dầu Biodiesel”... Theo đó, Viện đã thu thập tập đoàn giống cây dầu mè hơn 80 giống đang được đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất hạt, năng suất dầu và hiệu quả kinh tế. Các giống Dầu mè (Jatropha) có hàm lượng dầu trung bình từ 31 - 37%, thích hợp để làm nguyên liệu sản xuất dầu sinh học Biodiesel.

Đi cùng với việc nghiên cứu tuyển chọn giống cây có dầu, nhiều quy trình kỹ thuật cũng đã được ban hành và cho phép ứng dụng rộng rãi trong sản xuất như: Quy trình thâm canh cây lạc đạt năng suất cao và ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lạc; quy trình thâm canh cây vừng đạt năng suất cao; quy trình thâm canh cây đậu tương đạt năng suất cao; quy trình thâm canh cây hướng dương; quy trình kỹ thuật nâng cao tỷ lệ nảy mầm của trái dừa; các quy trình thâm canh, nuôi trồng xen trong vườn dừa đạt hiệu quả kinh tế cao…

Đồng thời, Viện đã chuyển mạnh sang nghiên cứu các công nghệ chế biến dầu thực vật, với mục tiêu nâng cao giá trị tăng thêm của các cây có dầu và tìm kiếm nguồn nguyên liệu dầu mới, một số công trình nghiên cứu và một số kết quả đã được áp dụng vào sản xuất. Các sản phẩm được chú ý như dầu dừa tinh khiết; dầu mè chất lượng cao; rượu cao độ, rượu vang, nước giải khát, đường và siro từ mật hoa dừa; các sản phẩm từ nước dừa già; công nghệ bảo quản dừa tươi cho mục tiêu xuất khẩu, các công nghệ chế biến dầu chùm ngây, dầu hạt thanh long, … và các loại tinh dầu thiên nhiên như: tinh dầu Chúc, tinh dầu bưởi, tinh dầu sả....đang từng bước hoàn thiện công nghệ và chuyển giao cho sản xuất nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm từ cây có dầu đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Hướng tới trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu

TS. Lê Công Nông khẳng định, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã từng bước trưởng thành, ngày càng được giao những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tập trung vào nghiên cứu phát triển nguyên liệu cây có dầu, chế biến một số sản phẩm từ cây có dầu đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến dầu thực vật Việt Nam.

Các giống dừa do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu sản xuất có chất lượng cao

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ chiến lược quy hoạch phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2025, công tác nghiên cứu khoa học của Viện tập trung đẩy mạnh sản xuất và thương mại hóa các giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt (dừa, vừng, lạc, đậu tương...) phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu giống mang nhãn hiệu của Viện; xây dựng những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại các địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các nghiên cứu chế biến dầu thực vật, đa dạng hóa các sản phẩm từ dầu và tinh dầu có giá trị kinh tế cao và đáp ứng nhu cầu đời sống hiện nay. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện các quy trình công nghệ và thiết bị ứng dụng công nghệ enzym - protein trong công nghiệp chế biến; chiết tách và phân tích hoạt tính sinh học các loại dầu, tinh dầu có các hoạt tính sinh học quý; ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm dùng trong thực phẩm; sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các Viện và cơ quan nghiên cứu khoa học, các phòng thí nghiệm trọng điểm cũng như các công ty, nhà máy có chủ trương đầu tư vùng nguyên liệu cây có dầu để phát triển diện tích, tăng năng suất và sản lượng nguyên liệu dầu thực vật, tăng cường nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ dầu thực vật và cây có dầu, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm dầu thực vật.

Viện cũng sẽ mở rộng quan hệ với các nước như Đức, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Hàn Quốc... để trao đổi giống, tiến bộ kỹ thuật mới, chuyên gia... nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ khoa học công nghệ cũng như từng bước nâng cao vị thế của Viện trong khu vực và quốc tế.

Theo đó, Viện sẽ tiếp tục củng cố nâng cao, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng nguồn nhân lực, ổn định và phát triển toàn diện Viện. “Phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đặt mục tiêu xây dựng Viện trở thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ hàng đầu về lĩnh vực dầu và cây có dầu ở Việt Nam” - TS. Lê Công Nông nhấn mạnh.

Ghi nhận về những đóng góp của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, với truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã và đang từng bước khẳng định vị thế, uy tín trong các hoạt động: Nghiên cứu chọn tạo các giống cây có dầu với năng suất cao, chất lượng tốt từ nguồn gen quý hiếm hiện có; nghiên cứu các quy trình công nghệ chế biến dầu và các sản phẩm từ cây có dầu có chất lượng cao; cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ và sản phẩm thương mại liên quan đến dầu và cây có dầu.

Những kết quả, thành tựu của Viện đạt được trong giai đoạn vừa qua đã góp phần vào sự phát triển chung của ngành dầu thực vật Việt Nam. “Để có được những kết quả này, tôi đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của các thế hệ nhà khoa học, cán bộ viên chức trong Viện và ghi nhận tư duy đổi mới, tâm huyết với sự phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam của tập thể lãnh đạo Viện qua các thời kỳ” - ông Trần Việt Hòa chia sẻ nhân dịp Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu kỷ niệm 40 năm thành lập.

Ghi nhận đóng góp của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, Viện đã được khen thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Công Thương; Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua của Bộ Công Thương; Tập thể lao động xuất sắc cấp Bộ Công Thương…
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Viện nghiên cứu ngành Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Dàn SUV châu Âu hạng sang cập bến thị trường Việt Nam dịp cuối năm 2024

EU và Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với ô tô điện

Mẫu bán tải bán chạy tại Đông Nam Á cập nhật động cơ hybrid

Lượng ô tô nhập khẩu trong nửa đầu tháng 11 tăng mạnh

Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2024 diễn ra tại Hải Phòng

Cận cảnh 'cá voi bay' gây chú ý khi xuất hiện ở sân bay Nội Bài

Lô xe Omoda C5 chính thức cập cảng, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng Việt

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Giám sát chương trình triệu hồi gần 2.700 xe Honda CR-V e:HEV RS để thay thế bơm nhiên liệu cao áp

ICT Competition 2024 - 2025 chính thức khởi động, nhiều cơ hội học tập cho sinh viên công nghệ

VinBigdata vào top 10 thế giới về công nghệ nhận diện khuôn mặt

Volvo Cars chính thức ra mắt mẫu xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam

40 năm ra đời APC UPS: Dấu son trên hành trình đổi mới sáng tạo bền vững

VinFast VF 3 tạo trào lưu cá nhân hoá xe mini tại Việt Nam như thế nào?

MSB hợp tác cùng Backbase, SmartOSC triển khai nền tảng ngân hàng tương tác

Khi cuộc đua ứng dụng AI tăng tốc, nhân tài là yếu tố tạo nên sự khác biệt

Năm 2030, lợi ích từ trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp đạt 79,3 tỷ USD

Nguy cơ an ninh mạng vẫn là 'thảm hoạ' với sự tồn tại của doanh nghiệp

Hơn 49.000 xe Toyota bán ra thị trường trong 10 tháng qua

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần 19.500 máy bay mới