Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô: Cải tiến công nghệ sản xuất giấy tissue
Nhu cầu tiêu dùng giấy tissue có xu hướng tăng cao
Theo Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương), giấy tissue là sản phẩm giấy chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng sản lượng các loại giấy trên thế giới, là sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Nhu cầu tiêu dùng giấy tissue hàng năm trên thế giới hiện nay khoảng 38 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng cao, đặc biệt ở những nước đang phát triển, dự báo có thể đạt 45 triệu tấn vào năm 2030.
Nhà máy sản xuất giấy tissue |
Giấy tissue thường được sản xuất từ hai nguồn nguyên liệu chính là bột giấy nguyên thủy (bột giấy hóa học tẩy trắng: Sợi ngắn và sợi dài; bột bán hóa và đôi khi cả bột giấy cơ học tẩy trắng) và bột giấy từ giấy loại thu hồi như: Bột giấy khử mực từ giấy loại văn phòng (DIP), giấy lề tissue...
Trong những năm gần đây, trước sức ép về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong ngành giấy nói chung và lĩnh vực sản xuất giấy tissue nói riêng đã có thay đổi đáng kể. Đó là tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế, bột giấy nguyên thủy không tẩy trắng. Các sản phẩm giấy tissue này đã được người tiêu dùng đón nhận, sử dụng khá nhiều ở các nước: Nhật Bản, Đức, Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc… song song với các sản phẩm giấy truyền thống (giấy có độ trắng cao).
Tại Việt Nam, các sản phẩm giấy tissue trong nước đa phần được sản xuất từ bột giấy nguyên thủy, bột DIP có độ trắng khá cao. Các sản phẩm giấy tissue sản xuất từ bột giấy không tẩy trắng và bột giấy từ giấy thu hồi chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Hiện nay, đứng trước các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp đã buộc các nước trên thế giới phải chung tay kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nhằm đảm bảo môi trường ngày càng xanh và sạch hơn. Không nằm ngoài xu thế chung đó, để góp phần giảm thiểu các tác động đến môi trường, các đơn vị sản xuất giấy cũng như người tiêu dùng đã có nhưng thay đổi hết sức tích cực trong sản xuất và tiêu dùng.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm giấy tissue, thay vì sử dụng 100% bột giấy tẩy trắng nguyên thủy để sản xuất thì tỷ lệ sử dụng giấy tái chế (bột giấy khử mực) trong các sản phẩm giấy tissue ngày càng tăng lên. Một số nhà máy đã bắt đầu có những thử nghiệm sản xuất mặt hàng giấy tissue có màu nâu từ nguyên liệu bột hóa học có độ trắng thấp để sản xuất giấy vệ sinh... Song hiện tại chưa có đơn vị nào tiến hành nghiên cứu, sản xuất một cách khoa học và bài bản loại sản phẩm này.
Trong khi đó, việc tạo ra sản phẩm giấy tissue thân thiện với môi trường, an toàn hơn với người sử dụng là điều tất yếu. Tuy nhiên, thay đổi nguyên liệu đầu vào, với việc sử dụng các loại bột giấy không tẩy trắng kéo theo một loạt các vấn đề về công nghệ và chế độ vận hành phải thay đổi theo.
Chính vì vậy, để xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất giấy tissue có sử dụng bột giấy không tẩy trắng và bước đầu hoàn thiện công nghệ này trong thực tiễn sản xuất và tiêu dùng, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy tissue có sử dụng bột giấy không tẩy trắng” nhằm tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, mục tiêu của đề tài là cải tiến công nghệ sản xuất giấy tissue có sử dụng bột giấy không tẩy trắng để tạo ra sản phẩm giấy tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nhu cầu tiêu thụ giấy tại Việt Nam có xu hướng tăng cao |
Cụ thể là xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất giấy tissue làm khăn giấy (Napkin tissue paper) và giấy lau bếp (Towel tissue paper) có sử dụng bột giấy không tẩy trắng; sản xuất được 2.000 kg giấy tissue làm khăn giấy và 2.000 kg giấy lau bếp đạt yêu cầu chất lượng theo QCVN 09:2015/BCT.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá được hiện trạng công nghệ của 5 nhà máy sản xuất giấy tissue điển hình tại Việt Nam; lựa chọn được nguyên liệu bột giấy không tẩy trắng là bột giấy hóa học gỗ cứng không tẩy trắng sau công đoạn oxy kiềm (OHKP). Việc sử dụng bột OHKP thay thế một phần bột BSKP được đánh giá là hoàn toàn khả thi, giảm thiểu nguồn phát thải ra môi trường phát sinh từ công đoạn tẩy trắng, tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất khăn giấy (Napkin tissue paper) và giấy lau bếp (Towel tissue paper) có sử dụng bột giấy không tẩy trắng trên dây chuyền sản xuất công suất 5 tấn/ngày tại Công ty Cổ phần Giấy Trường Xuân, quy trình công nghệ được đánh giá ổn định, khả thi, có thể áp dụng ở hầu hết các dây chuyền sản xuất giấy tissue trong nước.
Tiếp đó, đã hiệu chỉnh công nghệ và sản xuất được 2,18 tấn khăn giấy và 2,36 tấn giấy lau bếp trên cơ sở quy trình công nghệ đã xây dựng với tất cả các chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo QCVN 09:2015/BCT.
“Đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của quy trình sản xuất giấy tissue làm khăn giấy và giấy lau bếp có sử dụng bột giấy không tẩy trắng cho thấy, quy trình công nghệ ổn định, khả thi chuyển đổi quy mô, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, không phát sinh khí thải và chất thải rắn so với quy trình sản xuất giấy tissue thông thường” - đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quy trình công nghệ sản xuất giấy tissue sử dụng bột giấy không tẩy trắng không phát sinh chất thải rắn so với quy trình sản xuất thông thường. Do vậy, không tác động đến môi trường so với quá trình sản xuất hiện tại. Hơn nữa, quá trình sản xuất có sử dụng enzyme trợ nghiền. Lượng enzyme tồn dư trong nước thải đi vào hệ thống xử lý nước thải không những không cạnh tranh nguồn dưỡng chất với các vi sinh vật hữu ích trong quá trình xử lý yếm khí và hiếu khí mà còn góp phần ức chế sự phát triển của vi sinh gây mùi trong các bể chứa trung gian. Qua đó, giảm mùi hôi thối phát tán vào không khí.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất 1 tấn giấy sản phẩm được đánh giá là cao hơn so với các sản phẩm giấy tissue từ nguồn nhập khẩu. Vì vậy, cần nghiên cứu để tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất để có thể đưa giá thành sản phẩm tương đương hoặc thấp hơn giá nhập khẩu giấy tissue hiện nay.
Từ các kết quả đạt được của đề tài, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ kinh phí nghiên cứu trong thời gian dài nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ. Từ đó, mở rộng quy mô sản xuất giấy tissue có sử dụng bột không tẩy trắng giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho quá trình sản xuất.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là tiền đề, cơ sở cho sự phát triển của ngành giấy nói chung, đặc biệt là sản phẩm giấy tissue trong nước, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và định hướng cho các doanh nghiệp mong muốn đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất giấy tissue tại thị trường Việt Nam. |