Vì sao Việt Nam nên phát triển điện hạt nhân: Bài 1: Xu hướng điện hạt nhân toàn cầu |
Yêu cầu trước bối cảnh mới
Biến đổi khí hậu đã và đang gây những tác động không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã đồng thuận về sự cần thiết chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng, nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Để hướng đến mục tiêu zero carbon vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP 26, mục tiêu phát triển điện hạt nhân để giảm việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch là vấn đề đang được quan tâm nhắc tới. Trong đó Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, Việt Nam là một trong các nước đã có cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh, net zezo. Hiện vẫn còn có 2 luồng quan điểm trái chiều nhau, nên tính toán phải kỹ, cách tiếp cận và nhìn nhận về công nghệ, độ an toàn, khả năng đáp ứng về cam kết tăng trưởng xanh, net zezo.
Phát triển ĐHN là một trong những giải pháp góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vì nhiều quốc gia trên thế giới coi là nguồn năng lượng chính, công suất lớn, ổn định, tin cậy để chạy nền trong hệ thống điện thay thế dần nhiên liệu hóa thạch vốn đang trong tình trạng cạn kiệt, không tạo khí nhà kính, dễ cung cấp và dự trữ nhiên liệu, có nhiều ưu điểm trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững. Điện hạt nhân đang cung cấp hơn 10% điện năng trên thế giới, chiếm khoảng một phần ba lượng điện các-bon thấp toàn cầu. So với các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt như nhiệt điện, thủy điện... và năng lượng tái tạo thì điện hạt nhân có những lợi thế hơn hẳn.
Nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng điện năng của Việt Nam đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5-1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP: giai đoạn 2000-2010 là 13%, 2011-2019 là 10,5% (trừ 2020 tăng trưởng thấp do dịch Covid-19), nên việc phát triển năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức đối với Việt Nam.
Vì vậy, Việt Nam cần phải có những nghiên cứu, kế hoạch tích hợp, chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng phù hợp, hiệu quả cho đất nước, đồng thời góp phần cùng cộng đồng quốc tế thực hiện trách nhiệm đã cam kết.
Giáo sư Trần Đình Long cho rằng, trong dự thảo quy hoạch 8 về nguồn năng lượng có cái mới là xem xét lại khả năng dùng điện hạt nhân. Thực tế, hiện đang có sự đấu tranh giữa hai xu thế: Một là bảo đảm cân bằng năng lượng, nguồn năng lượng sạch, bền vững, nguồn năng lượng nền ổn định. Hai là sợ an toàn hạt nhân… Có lẽ, trong bối cảnh hiện nay, phát triển điện hạt nhân có thể là giải pháp tối ưu cho bài toán bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam.
Chia sẻ về công nghệ và yếu tố an toàn, Tiến sĩ Trần Chí Thành cho biết, trải qua quá trình phát triển gần 70 năm, với những thăng trầm nhất định liên quan đến các sự cố, cho đến nay, công nghệ điện hạt nhân dùng lò nước nhẹ (LWR) tiên tiến thế hệ III+ đã rất khác so với thời kỳ ban đầu (thế hệ II).
Các lò thiết kế thế hệ mới hiện nay đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe mới nhất về an toàn (được đưa ra sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011). Hiện, các nước tiên tiến vẫn duy trì và phát triển điện hạt nhân với việc tiếp tục vận hành các lò đang có, kéo dài thời gian vận hành, và xây mới lò nước nhẹ (LWR) công nghệ tiên tiến thế hệ III+, cùng với phát triển lò mô đun công suất nhỏ (SMR) sau khi công nghệ này được thương mại hóa và kiểm chứng.
Điện hạt nhân là nguồn điện nền ổn định, có thể hỗ trợ giải quyết những khó khăn của năng lượng tái tạo |
Ưu điểm nổi trội của điện hạt nhân
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ưu điểm của điện hạt nhân là: Thứ nhất, giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng cung cấp, chủ yếu cho công suất nền chiếm tỉ trọng lớn, ổn định liên tục 24/7, an toàn và linh hoạt, đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; đảm bảo tính kinh tế khi cạnh tranh với các loại nhiên liệu nhập khẩu, có thể dự trữ nhiên liệu cho nhiều năm và không phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển nhiên liệu.
Thứ hai, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, thay thế dần các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và có thể tạo tiềm năng thu tài chính từ việc giảm phát thải khí CO2. Ưu điểm này là tuyệt đối so với các nguồn hóa thạch khác.
Thứ ba, khi các quốc gia ngày càng chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và gió để sản xuất điện, các nhà máy điện hạt nhân được vận hành linh hoạt cung cấp dòng điện carbon thấp đáng tin cậy cũng như lấp đầy khoảng trống sản lượng còn lại khi các nguồn tái tạo suy giảm khi thiếu nắng hoặc gió. Tương tự như vậy, các Nhà máy điện hạt nhân có thể điều chỉnh việc sản xuất điện của họ khi nguồn điện tái tạo thay đổi, đảm bảo cung cấp điện và hạn chế nguy cơ gián đoạn bằng cách nâng cao độ tin cậy của lưới điện
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ trong ngành năng lượng nguyên tử, ngành điện mà còn thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác.
Thứ năm, góp phần nâng cao vị thế của Quốc gia khi từng bước làm chủ được công nghệ điện hạt nhân.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, song việc phát triển điện hạt nhân cũng có những khó khăn thách thức, nhất là đối với quốc gia lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân như: (i) Cần có sự đồng thuận của công chúng và các quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, (ii) Thận trọng lựa chọn công nghệ tiên tiến, an toàn cao nhất và có tính kiểm chứng, (iii) Cần đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng phát triển đội ngũ chuyên gia về ĐHN cũng như văn hóa an toàn điện hạt nhân. (iii) Cần thời gian chuẩn bị dự án do công nghệ phức tạp; vốn đầu tư lớn mặc dù chi phí nhiên liệu thấp, dẫn đến gặp khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư.
Trên cơ sở những lợi ích và yêu cầu mới, Tiến sĩ Trần Chí Thành hy vọng rằng Việt Nam xem xét lại việc lựa chọn điện hạt nhân thông qua cam kết giảm khí nhà kính ở Hội nghị COP26. Việc Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất giữ lại địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, cho thấy điện hạt nhân có thêm những tín hiệu khả quan trong thời gian tới.