Vì sao tỉnh Gia Lai bị cắt giảm vốn đầu tư công tại nhiều dự án?
Ngày 1/6, theo nguồn tin của phóng viên Báo Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Văn bản số 3922 về việc thông báo kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 sang năm 2024.
Trụ sở làm việc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Lê Sơn) |
Trong đó, có danh mục và mức vốn dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31/12/2024. Mức vốn giải ngân của các dự án được phép kéo dài không vượt kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 còn lại chưa giải ngân của dự án tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và tối đa không vượt số vốn được thông báo.
Đối với danh mục dự án chưa đủ điều kiện tổng hợp kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 sang năm 2024, không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ.
Tại tỉnh Gia Lai, chỉ có một danh mục dự án đường giao thông kết nối các xã Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2025), với tổng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương là 90 tỷ đồng và số vốn được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 là 10,959 tỷ đồng. Còn lại, nhiều dự án bị Trung ương không cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành danh mục các dự án của Gia Lai không được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 sang 2024 với tổng mức đầu tư là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 767 tỷ đồng.
Danh mục dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản có tổng mức đầu tư là 237 tỷ đồng. Trong đó, dự án Bảo vệ và phát triển rừng 127 tỷ đồng; Dự án Đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và nâng cao năng lực Phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, năng lực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai 110 tỷ đồng.
Đối với dự án giao thông có tổng mức đầu tư là 530 tỷ đồng. Các dự án gồm: Dự án đường Nguyễn Văn Linh ở TP Pleiku, đoạn Trường Chinh - Lê Thánh Tôn với tổng số tiền 260 tỷ đồng (thời gian khởi công 2022 và hoàn thành vào năm 2024); đường liên xã huyện Ia Pa 90 tỷ đồng; đường giao thông huyện Đak Pơ 90 tỷ đồng (khởi công năm 2023, hoàn thành vào năm 2025),….
Theo UBND tỉnh Gia Lai, trước đó ngày 28/2/2024, đơn vị đã có văn bản số 439 báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính danh mục, mức vốn, lý do kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 sang năm 2024 cho 7 dự án với tổng số tiền hơn 78 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có một dự án đường giao thông kết nối các xã Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa được Trung ương cho phép kéo dài sang năm 2024 là 10,958 tỷ đồng. Còn lại, 6 dự án không được phép kéo dài vốn sang năm 2024 là 67,962 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, lý do bị cắt vốn một phần là do địa phương chậm giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Trung ương có bố trí lại nguồn vốn bị cắt trong năm 2025 hay không, thì tỉnh Gia Lai sẽ làm việc và đề nghị lại với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc thiếu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư 2 năm qua, phần nào đã ảnh hưởng đến công tác điều hành, đầu tư công của tỉnh Gia Lai.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được xem là “tham mưu trưởng” về kinh tế, xã hội cho tỉnh. Là cơ quan xây dựng kế hoạch, hiến kế phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phân bổ dự án,… nhưng lại trống ghế Giám đốc sở 2 năm liền.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đang đối diện nhiều khó khăn khi Chủ tịch UBND tỉnh (ông Trương Hải Long) đã được điều động về lại Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Chánh Văn phòng UBND tỉnh xin nghỉ trước tuổi, chưa có người thay thế,…