Vì sao người lao động vẫn muốn rút bảo hiểm xã hội một lần dù 'mất nhiều hơn được'?
Nhiều thiệt hại khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Tại cuộc giao lưu trực tuyến về "Rút bảo hiểm xã hội một lần hay đóng tiếp chờ lương hưu?" ngày 19/7, ông Đặng Thanh Toàn (sinh năm 1968) làm tài xế cho biết, ông đã đóng bảo hiểm xã hội được 18 năm 8 tháng. Tháng 12/2023, do nhận thấy tình hình sức khỏe không đảm bảo nên ông đã xin nghỉ việc từ tháng 4/2024. Hiện ông đang băn khoăn không biết có nên rút bảo hiểm xã hội một lần hay phải đi làm lại để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho đủ 20 năm để nhận lương hưu?
Gia tăng các quyền lợi nhằm giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh. Ảnh: TTXVN |
Thông tin về băn khoăn của ông Đặng Thanh Toàn, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, trưởng Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh cho hay, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần được coi là "lợi trước mắt, hại lâu dài" bởi ngay khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần toàn bộ thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó của người lao động sẽ trở về con số 0. Đồng thời, các quyền lợi của bạn sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thảo nếu người lao động tham gia cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như: Được nhận lương hưu hằng tháng, mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ sẽ được Chính phủ điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.
Ngoài ra, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng bảo hiểm y tế của người hưởng chế độ hưu trí là 95%, trong khi mức hưởng bảo hiểm y tế của người mua bảo hiểm y tế hộ gia đình là 80%).
Đặc biệt, trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nếu có thẻ bảo hiểm y tế sẽ chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình. “Nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động đã tự đánh mất cơ hội được chăm sóc sức khỏe cho bản thân thông qua thẻ bảo hiểm y tế hưu trí miễn phí”- bà Thảo khuyến nghị.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.
Đáng chú ý, trong nhiều khuyến nghị và rút bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, khi nhận bảo hiểm xã hội một lần thì số tiền người lao động nhận được thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Tổng mức đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội hàng năm bằng 2,64 tháng lương.
Như vậy, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Đồng thời, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Tăng quyền lợi giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh
Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay đã hơn 595.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số là người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm, chiếm khoảng 98%. Đáng chú ý, nhóm rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%.
Nguyên nhân tình trạng rút bảo hiểm xã hội tăng thời gian qua là do tâm lý người lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, trong độ tuổi này mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, vì vậy nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Mặt khác, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng còn do một số người e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp; có ít địa phương hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương; chính sách cho người lao động thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa tạo sức hấp dẫn...
Nhằm giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh, Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Đồng thời, người lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. Mặt khác, trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Bên cạnh đó, theo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cũng đã quy định cụ thể về các trường hợp được rút bảo hiểm xã hội một lần chặt chẽ hơn. Cụ thể, người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định theo quy định tại các khoàn 1, 2 và 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội khi chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; người lao động ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội (Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015).
Trao đổi với Báo Công Thương, TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng là do việc thiết kế chính sách bảo hiểm xã họi hiện hành còn những rào cản, dẫn tới chưa có khả năng thu hút sự tham gia của người lao động.
Vì vậy, theo ông Tô Hoài Nam, việc Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) ban hành các quy định khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần là hết sức ý nghĩa. "Đây cũng chính là quan điểm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua, coi “bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”- ông Nam nêu.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh thêm rằng, quá trình cải cách chính sách quan trọng nhất là cần chú trọng làm sao để chế độ lương hưu phải tốt hơn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, như vậy mới khuyến khích người lao động chờ hưởng lương hưu. Mặt khác, đối với nhóm có khó khăn thực sự thì cần có chính sách hỗ trợ tại thời điểm họ gặp khó khăn, qua đó giúp họ từ bỏ ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.