Vì sao khuyến công Điện Biên chưa phát triển?
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Điện Biên, những năm qua, địa phương đã quan tâm triển khai công tác khuyến công. Tuy nhiên, do là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn kinh phí do vậy hiệu quả đạt được của công tác khuyến công chưa cao.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, Điện Biên đã triển khai, thực hiện 3 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Các đề án đều thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất.
Công tác khuyến công địa phương, Sở Công Thương được UBND tỉnh Điện Biên giao triển khai 2 đề án tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng, trong đó 1 đề án cơ sở xin dừng triển khai, kinh phí 200 triệu đồng.
Nghiệm thu máy sấy đảo chiều gió trong chế biến quả Mắc ca tại Công ty TNHH MTV Phúc Sơn tỉnh Điện Biên. Ảnh: TTKCĐB |
Năm 2024, khuyến công Điện Biên được UBND tỉnh giao 580 triệu đồng, hiện tại, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Sở Công Thương cũng đã trình Bộ Công Thương phê duyệt 3 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 800 triệu đồng cho nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất.
Nhìn vào con số đề án cũng như kinh phí được phê duyệt, bao gồm cả kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương có thể thấy là quá nhỏ so với ngay cả các địa phương khu vực miền núi phía Bắc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khuyến công Điện Biên chưa triển khai được đa dạng các đề án mà mới chỉ tập trung cho nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến.
Mặt khác, theo đại diện Sở Công Thương Điện Biên, bản thân số lượng đề án đăng ký hỗ trợ từ hoạt động khuyến công ít, chưa xây dựng được đề án có nội dung mới.
Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là do nguồn thu ngân sách của tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương do đó kinh phí dành cho hoạt động khuyến công còn hạn chế.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp số lượng ít (toàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp công nghiệp), trình độ quản lý, năng lực sản xuất còn hạn chế. Tỉnh chưa có khu, cụm công nghiệp.
Được biết, để nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, đồng thời “thúc” ngành công nghiệp nông thôn của địa phương phát triển, giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương Điện Biên dự kiến dành khoảng 223 tỷ đồng cho công tác khuyến công. Tuy nhiên con số bố trí được hiện vẫn rất eo hẹp.
Trước tình trạng trên, Sở Công Thương Điện Biên đã “xoay sở” tìm giải pháp khắc phục. Theo đó, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh bám sát vào các văn bản pháp quy quy định về hoạt động khuyến công của Trung ương và địa phương để triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch khuyến công. Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của nhà nước về khuyến công; thường xuyên trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh về công tác khuyến công, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai đề án.
Tiếp tục chỉ đạo, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, quản lý sử dụng kinh phí có hiệu quả.
Tiếp tục củng cố và hoàn thiện bộ máy hoạt động khuyến công và tăng cường bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện cần thiết phục vụ cho hoạt động khuyến công.
Tuy nhiên để công tác khuyến công của Điện Biên cũng như của các tỉnh miền núi khác thuận lợi trong triển khai, đạt hiệu quả tốt, đại diện Sở Công Thương Điện Biên đề nghị: Bộ Công Thương sớm phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 để triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, nhất là tăng nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công của các địa phương.