Du lịch gôn: “Mỏ kim cương” của ngành kinh tế xanh Định vị Việt Nam trên bản đồ cường quốc golf thế giới - “Trải thảm đỏ” đón khách du lịch cao cấp |
Theo các chuyên gia kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là: “Cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết, ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường sức chống chịu gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế”, với mục tiêu chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng đầu vào của sản xuất sang tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn còn những tồn tại |
Tại hội thảo: Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức vào sáng 6/9, TS Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua: Liên kết ngành, vùng được thúc đẩy; cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp được tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng.
Tại Báo cáo số 532/BC-CP của Chính phủ đưa ra vào tháng 10/2020 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng khẳng định, cơ cấu lại nền kinh tế đã hỗ trợ đáng kể cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng, bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực, chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải thiện. Cụ thể, tăng trưởng chủ yếu dựa vào cải cách và thúc đẩy kinh doanh thay vì mở rộng tín dụng và các gói kích thích kinh tế.
Cùng với đó, hiệu quả đầu tư được cải thiện, năng suất lao động xã hội tăng lên đáng kể so với trước đây. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khởi sắc hơn, đã xuất hiện một số tập đoàn tư nhân lớn kinh doanh đa ngành nghề, tập trung phát triển công nghiệp, công nghệ, dịch vụ chất lượng cao. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, đặc biệt là “sức bật” của nền kinh tế đã có những cải thiện nhất định.
Xây dựng chuỗi liên kết ngành là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hiện nay |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, TS Đặng Đức Anh cho rằng, cơ cấu nền kinh tế thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa có nhiều kết quả, cơ cấu ngành kinh tế kém năng động; không có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành kinh tế, về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, về cơ cấu thị trường xuất khẩu.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có các cụm liên kết ngành theo đúng cách hiểu của các nước đang phát triển. Các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành chưa đủ mạnh. Sự kết nối giữa các tác nhân còn yếu, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị… điều này sẽ hạn chế cơ hội của kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn chưa coi trọng chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư nước ngoài, dự án có vốn viện trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, qua bối cảnh Covid-19 càng bộc lộ rõ sự hạn chế về tính độc lập, tự chủ của các ngành kinh tế, tính dễ tổn thương do phụ thuộc vào bên ngoài.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu ngành theo chuỗi giá trị là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Nhất là trong thời điểm kinh tế thế giới và trong nước được dự báo đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và bất định. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng nền các ngành kinh tế.
TS Đặng Đức Anh cho rằng, toàn cầu hóa và liên kết kinh tế tiếp tục là các xu thế lớn nhưng cục diện liên kết kinh tế - thương mại toàn cầu và khu vực biến chuyển phức tạp, nhanh và sâu sắc vượt dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trở nên gay gắt hơn, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị có xu hướng kéo dài.
Các mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng với nhiều thành tựu được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, do đó có tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội, và kinh tế của từng quốc gia. Các mô hình kinh tế mới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh diễn ra nhanh chóng, được nhiều quốc gia lựa chọn. Việt Nam với địa lý là cửa ngõ của ASEAN, tiếp giáp với Trung Quốc…. được dự báo sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng từ những biến động này.
"Do đó, trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành và tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài" - TS Đặng Đức Anh khẳng định.
Trình bày báo cáo Nghiên cứu cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập, ThS. Nguyễn Văn Tùng - Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) - cho rằng: Việc xây dựng chuỗi liên kết ngành là cần thiết, song để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan chức năng về chính sách, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển chuỗi liên kết ngành, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Bởi chỉ khi các doanh nghiệp sự liên kết với nhau, thì lúc đó chuỗi giá trị liên kết ngành mới thực sự bền chặt và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. |