Lễ hội vật cầu nước hay còn gọi là vật cầu bùn tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được tổ chức từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Lễ hội theo tín ngưỡng dân gian thờ Thần Mặt Trời của người nông dân vùng đất làng Vân từ thời cổ xưa còn truyền lại.
Lễ hội vật cầu bùn được tổ chức vào mùa hè, khác với các lễ hội khác thường được tổ chức vào mùa xuân. Vậy nên đã có hàng nghìn người dân ở khắp mọi nơi đến làng Vân để xem lễ hội độc đáo này.
Hội vật cầu được tổ chức trên sân chính của đền thờ thánh Tam Giang có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp.
|
Trước khi vào trận, các bô lão thực hiện nghi lễ dâng hương, các "quân cầu" đóng khố thực hiện nghi lễ tế Đức Thánh Tam Giang. Các quân cầu ngồi xếp hàng đối diện nhau, mỗi đội cử ra một người đấu vật, đội nào thắng sẽ được giao cầu trước. 16 trai làng đóng khố cởi trần và tiến hành các nghi lễ xin thánh Tam Giang mở hội và thi đấu. |
|
Thanh niên được tuyển chọn tham gia vật cầu nước gọi là quân cầu, chia làm 2 giáp (giáp Thượng và giáp Hạ), mỗi giáp 8 người. Trước khi diễn ra hội, các thanh niên này phải ăn chay, kiêng rượu, tỏi, hành và kiêng quan hệ nam nữ trước đó 3 ngày để thân thể được trong sạch. |
|
Quả cầu trong lễ hội được làm từ gỗ, có trọng lượng gần 20kg, tượng trưng cho Thần Mặt Trời. |
|
Nhiệm vụ của 2 giáp là phải tranh cướp khối cầu trong tay đối thủ, cùng nhau di chuyển đưa khối cầu về phía phần sân của đối thủ rồi đặt vào lỗ cầu để giành chiến thắng. |
|
Khi chủ tế vừa gieo cầu xuống sân, hai giáp trong bộ dạng cởi trần đóng khố nhảy ào vào tranh cướp cầu giữa bùn đất lấm lem, ai cũng quyết giành vận may. Các trận cầu diễn ra trong ba ngày, mỗi ngày “đánh” 1 trận, mỗi trận hai giờ đồng hồ. |
|
Khi cướp được cầu, các đội phải nhanh chóng phản công, cùng với đó là sự truy cản quyết liệt của đối thủ, tạo nên một trận đấu gay cấn, kịch tính. |
|
Trên sân, nhiều cú va chạm diễn ra nảy lửa nhưng không ảnh hưởng đến quyết tâm của từng "quân cầu". |
|
Trong quá trình đưa cầu ra sân đấu, cầu được mang từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Khi thi đấu, cướp được cầu mang ý nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh sáng cho cây trồng. Chính vì thế, hội vật cầu bùn thể hiện nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, có ý nghĩa như một lễ hội cầu mùa màng bội thu. |
|
Theo quan niệm của người dân, "quân cầu" nào trong trận đấu càng dính nhiều bùn đất lên người thì sẽ càng gặp nhiều may mắn. |
|
Trận đấu giằng co quyết liệt làm bùn văng tung tóe về phía các khán giả. |
|
Người xem cổ vũ hào hứng không kém các "quân cầu" thi đấu dưới sân. |
|
Khi trận đấu kết thúc, tất cả người dân cùng đổ xuống sân "tắm bùn" chung vui cùng 2 đội. |
Chí Tâm - Thế Đại
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém ★ Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★