Văn cúng giao thừa năm Quý Mão 2023 trong nhà, ngoài trời chuẩn nhất
Cúng Giao thừa (Trừ tịch) là nghi lễ rất quan trọng với mỗi gia đình người Việt, được tiến hành vào thời khắc kết thúc năm cũ và chào đón năm mới để cầu mong sự bình an, may mắn, thịnh vượng và xua đi những khó khăn, đen đủi trong một năm sắp tới.
Theo tín ngưỡng của người Việt, mỗi năm có một vị quan hành khiển cai trị hạ giới. Thời khắc giao thừa chính là lúc chuyển giao công việc của các vị quan hành khiển. Vì vậy, người dân làm mâm cỗ cúng để tiễn đưa vị thần năm cũ và chào đón vị thần mới.
Theo đúng phong tục thì cúng Giao thừa cần làm 2 lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời.
Văn khấn giao thừa ngoài trời
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
Con kính lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài cựu niên Hành khiển, cựu Hành binh chi thần, cựu Phán quan.
Con kính lạy ngài đương niên Hành khiển, đương niên Hành binh chi thần, đương niên Phán quan.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm Nhâm Dần với năm Quý Mão.
Chúng con là: …, sinh năm: …, hành canh: … tuổi, cư ngụ tại số nhà: ..., ấp/khu phố: …, xã/phường: …, quận/huyện/ thành phố: …, tỉnh/thành phố: …
Nhân phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân.
Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.
Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật, thánh, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai Thái tuế, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần.
Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy).
Văn khấn giao thừa trong nhà
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
Nam mô Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh.
Nay phút giao thừa năm Nhâm Dần với năm Quý Mão.
Chúng con là: …sinh năm: …, hành canh: … tuổi, ngụ tại số nhà: …, ấp/khu phố: …, xã/phường: ..., quận/huyện/thành phố: …, tỉnh/thành phố: …
Phút giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- thánh, dâng hiến Tôn thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ thần, Phúc đức chính thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các ngài bản gia Táo phủ thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời các cụ tiên linh, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di tỷ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.
Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy).
Nên cúng giao thừa trong nhà trước hay ngoài trời trước?
Người Việt quan niệm có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (vị thần giúp việc cho các Hành khiển). Mỗi năm có một vị quan hành khiển đảm đương công việc cai trị hạ giới và cứ sau 12 năm lại có sự luân phiên trở lại.
Giao thừa là thời khắc mà các vị quan hành khiển bàn giao công việc cai trị trong năm với nhau. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội nên không kịp vào tận bên trong nhà, do đó bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Đây được gọi là lễ cúng giao thừa ngoài trời. Gia chủ phải thực hiện lễ cúng giao thừa ngoài trời trước nhằm "nghênh tân, tiễn cựu" tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ, sau đó mới làm lễ cúng giao thừa trong nhà.
Thông thường lễ cúng Giao thừa ngoài trời sẽ có xôi gà và hoa quả, riêng lễ cúng này không cần dùng bát hương mà có thể cắm hương vào các đồ lễ cúng hoặc một bát gạo.
Mâm cúng giao thừa cần chuẩn bị những gì?
Gia chủ chuẩn bị mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời gồm những lễ vật sau:
- Mâm ngũ quả
- Nhang (nên là 3 cây nhang to)
- Hoa
- Đèn/nến
- Trầu cau
- Muối gạo
- Trà rượu
- Quần áo mũ nón thần linh
- Thủ lợn luộc
- Gà trống luộc
- Xôi
- Bánh chưng
Trong đó, gia chủ cần đặc biệt chú ý đến con gà trống luộc. Nên chọn gà trống mới bắt đầu tập gáy, chưa đạp mái, khỏe mạnh, mỏ vàng, mào cờ, chân gà màu vàng. Nếu không có nhiều điều kiện thì chuẩn bị đơn giản, chỉ cần thể hiện lòng thành đối với các bậc thần linh, ông bà gia tiên.
Cũng tùy theo từng vùng miền mà có các loại đồ cúng khác nhau:
Miền Bắc: Mâm cỗ thường tính theo bát, đĩa gồm 4 bát, 4 đĩa, nếu cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Các bát này thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà, mọc. Đĩa thường là xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối. Có nhà cũng cúng gà, gà thường là thịt gà trống thiến.
Miền Trung: Trên mâm cúng của người miền Trung có bánh chưng, bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, bát ninh măng khô, miến Huế, cá chiên hay chả ram. Mâm cỗ người miền Trung có đầy đủ các món ăn.
Miền Nam: Mâm cúng thường đơn giản hơn, chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh mứt, trái cây, trà… Nhưng nếu là mâm mặn đầy đủ sẽ có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh chưng, chè… Sau khi cúng Giao thừa ngoài trời, gia chủ sẽ thực hiện lễ cúng giao thừa trong nhà để cúng Thổ công và tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình trong năm mới gặp được nhiều điều tốt lành.
Theo nhiều chuyên gia phong thủy, Hỷ thần ở hướng Đông Bắc, Tài thần ở hướng Nam nên có thể tùy theo hai hướng ấy mà đặt lễ vật cúng Giao thừa ngoài trời. Người đứng khấn phải quay mặt về hướng Đông Bắc hay chính Nam mà cúng chứ không phải đặt con gà, đĩa xôi về hướng đó. Quan trọng khi cúng Giao thừa phải thành tâm.
Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ công, tức là vị thần cai quản trong nhà.
Một số lưu ý khi cúng giao thừa
Nhiều gia đình ở chung cư, do không gian chật hẹp không có diện tích dưới mặt đất nên việc cúng chỉ cần tập trung ở trong nhà mà không nhất thiết phải cúng ngoài trời. Nếu các gia đình cần cúng ngoài trời nên xuống dưới sân của nhà chung cư chứ không phải ở trên tầng.
Việc cúng ngoài trời cần có khoảng không gian có trời và có đất, do vậy lễ vật cần được đặt gần với mặt đất. Vì thế nếu cúng ở trên khoảng không tầng lầu chung cư thì không gian bày lễ cách nhau quá xa nên không thể gọi là cúng ngoài trời được.