Vẫn “bắt cóc bỏ đĩa”
Từ đầu năm đến nay, phát sinh nhiều chợ cóc mới |
Vẫn còn hơn 110 chợ cóc, chợ tạm
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, cuối năm 2016, trên địa bàn có 52 chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2017, tức là chỉ sau dịp Tết lại mọc lên hàng loạt chợ cóc mới, nâng số chợ cóc, chợ tạm lên tới 213. Thành phố đã xử lý 112 chợ nhưng vẫn còn 111 chợ.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, việc xử lý triệt để chợ cóc, chợ tạm là bài toán khó do phong tục, tập quán của người dân, kỷ cương chưa nghiêm và quá trình vận động nhân dân chưa đạt yêu cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến cho tình trạng chợ cóc, chợ tạm tồn tại dai dẳng là do nhiều nơi chính quyền địa phương chưa tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân cũng như tiến hành giải tỏa và duy trì sau giải tỏa. Hệ thống chợ còn thiếu hoặc bố trí chưa phù hợp. Tiền thuê ki-ốt, mức thuế cao khi kinh doanh trong chợ khiến nhiều hộ kinh doanh ngần ngại. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, muốn mua hàng tại chợ cóc, chợ tạm với giá rẻ và thuận tiện.
Cần một giải pháp căn cơ
Để ngăn chặn tình trạng chợ cóc tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ và kêu gọi xã hội hóa đầu tư chợ dân sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp lại không mặn mà do hiệu quả thấp, kinh doanh không có lãi. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư chợ đang bị vướng bởi Quyết định 40/2015/QĐ-TTg quy định các tỉnh, thành phố không gặp khó khăn thì không được dùng ngân sách đầu tư tập trung.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ, hiện đang có 83 chợ trong diện cấp bách phải cải tạo nhưng không thể sử dụng ngân sách. Nhiều quận, huyện, thị xã kiến nghị Sở Công Thương báo cáo thành phố về việc có thể dùng ngân sách địa phương để đầu tư, cải tạo hệ thống chợ, mở đường góp phần tăng hiệu quả kinh tế cũng như ngăn chặn chợ cóc bùng phát.
Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng trên, ngoài quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, thành phố Hà Nội cần tiến hành rà soát tổng thể mạng lưới chợ, sớm cải tạo những chợ chật hẹp, mất vệ sinh, không phù hợp với đô thị hiện đại; nên dành quỹ đất thích đáng cho chợ truyền thống ngay từ khi quy hoạch các khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng chợ cóc, chợ tạm mọc lên rồi mới lo đi xóa.
Để đẩy nhanh công tác quản lý, sắp xếp chợ cóc, chợ tạm, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, phân loại và xây dựng, tập trung thực hiện phương án giải tỏa chợ cóc; sắp xếp, đề xuất bố trí chợ tạm, địa điểm bán hàng tam thời cho các hộ đã kinh doanh lâu năm trên vỉa hè, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định và hướng dẫn của Sở Công Thương… Đồng thời, giao Sở Công Thương tiếp tục phối hợp Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác giải tỏa chợ cóc, bố trí sắp xếp và quản lý chợ tạm tại các quận, huyện, thị xã; tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND thành phố theo quy định.
Ông Lê Hồng Thăng – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiên quyết trong công tác xử lý chợ cóc, chợ tạm. Nếu không báo cáo kịp thời, để phát sinh chợ cóc, chợ tạm thì đội quản lý thị trường tại khu vực đó phải chịu trách nhiệm. |