Hà Nội: Không để tình trạng chợ cóc, chợ tạm hoạt động khi đã có Công điện 15 Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm: Vẫn chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”
|
Gần đây, Báo Hànộimới nhận được phản ánh của các hộ dân ngõ 135 phố Bồ Đề, phường Bồ Đề (quận Long Biên) về việc chợ tự phát tại cuối ngõ hoạt động không theo sự quản lý của địa phương khiến vấn đề về an toàn thực phẩm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy không được bảo đảm. Vấn đề xử lý vệ sinh môi trường theo đó cũng không được quan tâm.
Tại đầu ngõ phố 135 Bồ Đề, nhiều sạp hàng được bày la liệt, lấn lòng đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân |
Theo quan sát của phóng viên, ngay tại đầu ngõ 135 phố Bồ Đề, nhiều sạp hàng hoa quả bày la liệt, chiếm dụng toàn bộ vỉa hè và một phần lòng đường để kinh doanh. Đây chính là chợ “cóc” hoạt động từ sáng đến chiều do các hộ dân có nhà mặt tiền tự trổ cửa bán hoặc cho thuê bán hàng.
Nhưng điều đáng nói, sâu trong ngõ 135 phố Bồ Đề đã tồn tại một chợ tự phát với hàng chục sạp hàng, những gian hàng được lợp tạm bằng tấm nhựa, bạt dứa… Đằng sau khu chợ tạm là ao nước, bên cạnh lại là bãi rác lưu cữu bốc mùi, ô nhiễm môi trường.
Các gian hàng được dựng tạm bợ |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, một người dân tại khu vực cho biết, khu chợ hình thành từ lâu nên là nơi mua bán của người dân trong ngõ cũng như toàn địa bàn phường. Đây chỉ là chợ tạm, không được sự giám sát, kiểm tra về nguồn gốc thực phẩm.
Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề Lưu Ngọc Tiến cho biết, từ nhiều năm trước, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ lập chợ "cóc” tại khu vực phố Bồ Đề, quanh hồ Lâm Du, các ngã ba đường, thành cầu, gây mất mỹ quan đô thị nên UBND phường đã di chuyển các hộ về kinh doanh tại ngõ 135 phố Bồ Đề. Do đó, khu vực chợ tạm đã hình thành để phục vụ nhu cầu mua bán, giao thương cho người dân, qua đó cũng tạo công ăn, việc làm cho một số hộ dân trên địa bàn. Điều này phù hợp với đặc thù của phường Bồ Đề vẫn chưa có chợ truyền thống, trong khi có gần 4 vạn nhân khẩu sinh sống tại địa bàn.
Còn vấn đề chợ “cóc” đầu ngõ 135 phố Bồ Đề, ông Tiến cho biết, lực lượng chức năng phường thường xuyên ra quân nhắc nhở các hộ phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, dọn vệ sinh sạch sẽ khu vực bán hàng, không để tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường.
Đồng thời, lực lượng công an phường tăng cường kiểm tra, yêu cầu các hộ không lấn chiếm vỉa hè để bày bán hàng hóa, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trong 3 tháng qua, Công an phường Bồ Đề đã thu giữ hàng hóa vi phạm như ô, bạt, bàn ghế; xử phạt 28 trường hợp hàng rong lấn chiếm vỉa hè để bán hàng 4,2 triệu đồng. Thời gian tới, UBND phường tiếp tục yêu cầu lực lượng công an xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định.
Hàng hóa bày kín vỉa hè |
Khu chợ họp từ sáng đến tối |
Về giải pháp lâu dài xử lý chợ “cóc”, chợ tạm, ông Tiến cho hay, "UBND phường đang xây dựng kế hoạch để xóa chợ. Cụ thể, UBND phường đã đề nghị UBND quận Long Biên quy hoạch, xây dựng chợ dân sinh trong khu vực để phục vụ nhân dân. "Khi phường có chợ chính thì việc xóa bỏ chợ tạm, chợ “cóc” là chắc chắn", ông Tiến nói.
Tuy nhiên, kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm đã được thực hiện thường xuyên trong những năm qua; kế hoạch dài hạn cũng đã được đề xuất nhiều lần, nhưng để giải quyết triệt để chợ “cóc”, chợ tạm nói trên, rất cần có chợ chính, bảo đảm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trên địa bàn phường.