VAMA đề xuất những gì để phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam?
Cụ thể, liên quan tới chính sách khuyến khích, ưu đãi để phát triển xe điện hóa, VAMA đề xuất có ưu đãi phù hợp cho từng dòng xe điện hóa nhằm hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng, đồng thời hướng tới giảm mức phát thải CO2.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương của Chính phủ trong việc cam kết và thực hiện các giải pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu phát “thải ròng bằng 0” vào năm 2050 nhưng VAMA cũng cho rằng, sẽ cần nhiều thời gian tới hàng chục năm để đầu tư, nghiên cứu phát triển và từng bước phổ biến xe điện chạy pin.
Cụ thể là cần đầu tư lớn và đồng bộ để phát triển hệ thống trạm sạc, tích hợp với giao thông tĩnh để có thể sạc trong lúc đỗ xe, hệ thống nguồn phát điện đảm bảo đủ nguồn điện sạch và hệ thống phân phối và điều độ điện.
Trạm sạc pin xe ô tô điện của Vinfast |
Bên cạnh đó, công nghệ sạc nhanh và công nghệ pin cũng sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện để đạt được sự thuận lợi hợp lý cho người dùng. Ngoài ra, giá thành sản xuất xe điện nói chung hiện còn rất cao so với khả năng chi trả của số đông khách hàng.
Do đó, trong thời gian chuyển tiếp - từ nay tới lúc phổ biến hoàn toàn xe điện, VAMA kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ để hỗ trợ các dòng xe có mức phát thải thấp để có thể đóng góp ngay vào việc giảm phát thải mà không đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng trạm sạc, thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, đó là xe HEV, PHEV.
Theo kinh nghiệm và dữ liệu của các nhà sản xuất ô tô thế giới, các dòng xe này có thể giúp giảm ngay tới hơn 50% lượng phát thải so với xe động cơ xăng dầu thông thường. Đồng thời, cũng cần có lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế phí, ưu đãi đầu tư) phát triển hạ tầng trạm sạc.
Đề xuất thứ 2 liên quan tới quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam. Theo VAMA, cần xem xét tới yếu tố phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của đất nước, điều kiện của ngành công nghiệp và chiến lược phát triển của các nhà sản xuất; mà vẫn đảm bảo thực hiện cam kết Quốc tế với việc cắt giảm phát thải CO2 của Việt Nam tại COP21 và COP26.
VAMA đề xuất 3 nội dung để phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam |
Theo đối chiếu của VAMA với giải pháp giả định E15 áp mức cố định cho từng loại xe dựa trên dung tích xi lanh nêu tại Báo cáo kỹ thuật đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) cập nhật năm 2020 thì 97% mẫu xe hiện theo thống kê bán trên thị trường trong giai đoạn từ 2016 - 2020 không đáp ứng được mức cố định này. Và như vậy có thể phải dừng sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng rất lớn tới ngành công nghiệp ô tô và khách hàng.
Ngoài ra, thực tiễn cho thấy hầu hết các quốc gia trên Thế giới xây dựng mức tiêu thụ nhiên liệu thường áp dụng nguyên tắc trung bình chung theo đoàn xe (CAFE) dựa trên khối lượng xe đã chứng minh được hiệu quả giảm phát thải cũng như tạo điều kiện cho các hãng chủ động áp dụng các giải pháp một cách linh hoạt để đạt được mục tiêu đề ra.
Do đó, VAMA đề xuất áp dụng chính sách đồng bộ gồm xây dựng mức tiêu thụ nhiên liệu dựa trên nguyên tắc trung bình chung của đoàn xe (CAFE) thay vì mức tiêu thụ nhiên liệu áp cố định cho từng dòng xe, cùng với các chính sách thuế dựa trên dung tích động cơ xe và mức phát thải CO2. VAMA cũng bày tỏ mong muốn được tham gia quá trình xây dựng dự thảo quy định này.
Cuối cùng, là việc sớm phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam trong tình hình mới. Theo VAMA, Chiến lược mới cần đặc biệt quan tâm đề xuất các chính sách ưu đãi cụ thể, đặc thù cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ô tô tạo hành lang pháp lý, thực sự thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, đồng thời đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ô tô phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ sản xuất ô tô thế giới và thực tiễn hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam.