Vải thiều Việt Nam thành công quay trở lại thị trường Pháp
Đó là chia sẻ của ông Vũ Anh Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp (Thương vụ Pháp) với phóng viên Báo Công Thương về hành trình đưa trái vải Việt Nam quay lại thị trường Pháp.
Thưa ông, trái vải Việt Nam đã thành công quay trở lại thị trường Pháp sau nhiều năm bị gián đoạn, ông đánh giá thế này về điều này? Đâu là yếu tố quan trọng để đưa trái vải Việt Nam quay lại thị trường khó tính này?
Ông Vũ Anh Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp |
Ngay từ những năm 2014 – 2015, Thương vụ Pháp đã đồng hành cùng một số doanh nghiệp Pháp có nhu cầu nhập khẩu vải và hỗ trợ kết nối với các tỉnh, để không chỉ kết nối nhập khẩu mà còn kêu gọi đầu tư dây chuyền sản xuất và xây dựng vùng trồng có chất lượng. Theo đó, Việt Nam đã có được đơn hàng đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vải vào một hệ thống siêu thị tại Pháp năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đặc biệt vấn đề về giá, việc nhập khẩu chính ngạch đã bị gián đoạn từ đó cho tới nay.
Sau 6 năm gián đoạn, trái vải Việt Nam đã quay trở thị trường Pháp, nhờ 3 yếu tố thuận lợi. Đó là việc áp dụng các công nghệ và các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như GlobalGAP, VietGAP, chất lượng vùng trồng và chất lượng trái vải ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyên nghiệp, năng động hơn và quyết tâm hơn trong việc đa dạng hóa thị trường và nỗ lực tiếp cận những thị trường khó tính.
Đặc biệt, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, từ trong và ngoài nước ngày càng phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược phát triển thị trường nước ngoài. Điều này thể hiện ở sự phối hợp xuyên suốt và nhịp nhàng nhất từ trước tới nay giữa địa phương và Bộ Công Thương nhằm triển khai thực hiện các chính sách, định hướng của Chính phủ trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể là sự chủ động và tích cực của các tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang trong việc phối hợp với Bộ Công Thương để tìm đầu ra cho nông sản. Chính sự gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị ở trong và ngoài nước của Bộ Công Thương đã mang lại hiệu quả cụ thể trong nỗ lực mở rộng thị trường cho trái vải vụ mùa 2021 nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.
Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ hai sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho châu Âu. Đây là cơ hội cho trái vải Việt Nam tại thị trường này. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng trái vải Việt Nam nhập vào Pháp chiếm tỷ lệ rất ít. Theo ông, đâu là khó khăn khi đưa trái vải sang thị trường này?
Đối với người Pháp nói riêng và người châu Âu nói chung, trái vải là một loại nông sản quý. Madagascar là nhà cung cấp trái vải lớn nhất cho thị trường châu Âu và chủ yếu dành cho thị trường Pháp. Bên cạnh đó, mùa vải Madagascar vào đúng đợt lễ Giáng Sinh - thời điểm mùa đông ít lựa chọn đối với trái cây, trong khi đây cũng là thời điểm phần lớn người dân Pháp sẵn sàng mở rộng hầu bao, tăng cường chi tiêu mua sắm. Vải Madagascar được nhập khẩu qua đường biển với số lượng lớn khiến giá bán rất thấp, chỉ khoảng 5-6 euro/kg.
Ngoài vải Madagascar, vải Trung Quốc, cùng mùa thu hoạch với Việt Nam cũng được nhiều nhà phân phối nhập khẩu với giá bán dưới 10 euro/kg. Vải Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng cao, có vị ngọt và thơm hơn vải Madagascar và vải Trung Quốc. Tuy nhiên do chi phí vận chuyển qua đường hàng không, giá bán của vải Việt Nam khá cao từ 14-18 euro/kg.
Không chỉ cạnh tranh về giá mà vải Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức trong khâu tiêu thụ. Đó là mùa vải Việt Nam vào tháng 6 trùng với mùa các loại hoa quả phong phú tại Pháp và các nước lân cận.
Để phát triển thị trường một cách bền vững, ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải nói riêng và mặt hàng nông sản nói chung?
Theo tôi, các nhà xuất khẩu phải duy trì được chất lượng trái vải một cách ổn định và hoàn thiện công nghệ bảo quản, vận chuyển hiệu quả hơn. Nếu chúng ta có công nghệ bảo quản, đảm bảo có thể xuất khẩu trái vải qua đường biển, thì vải Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ ưu thế để vượt trội hơn trái vải đến từ các nước khác. Hiện nay, đã có một số ít doanh nghiệp đang đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư để tăng cường công nghệ xử lý sau thu hoạch và bảo quản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị thật tốt khâu quảng bá hình ảnh, tạo nhu cầu của thị trường và xây dựng mạng lưới đối tác tin cậy với các nhà nhập khẩu tại nước sở tại.
Thời gian tới, Thương vụ sẽ có hành động cụ thể nào để không chỉ trái vải mà nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt chinh phục thị trường Pháp một cách hiệu quả?
Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Thương vụ Pháp đã tích cực tham gia triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020”. Một loạt các hoạt động quảng bá, giới thiệu trực tiếp nông sản Việt Nam trong các hệ thống siêu thị, phân phối và trong các chợ đầu mối, bán sỉ cũng như những hoạt động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp đã được Thương vụ tổ chức. Các hoạt động này đã tạo tiền đề để các nhà nhập khẩu bán sỉ gia tăng đơn hàng nhập khẩu hàng Việt Nam và người tiêu dùng Pháp được biết đến nhiều hơn về nông sản Việt Nam.
Vừa qua, trong khuôn khổ các Chương trình kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản do Bộ Công Thương phối hợp với các tỉnh tổ chức, Thương vụ Pháp đã cùng với Cục Xúc tiến thương mại chọn lọc những doanh nghiệp có sản phẩm tốt, có năng lực cung ứng và kết nối thành công với những đối tác nhập khẩu quan trọng, đưa trái vải Việt Nam chính thức quay lại thị trường Pháp.
Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước đẩy mạnh khâu quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam. Đặc biệt chú trọng tới các hoạt động như: Tổ chức Tuần hàng Việt Nam; các chương trình ẩm thực nông sản Việt; tăng cường tuyên truyền hình ảnh nông sản Việt Nam thông qua các ấn phẩm, tờ rơi trực tiếp tới người tiêu dùng,…
Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới đối tác là những nhà nhập khẩu, hệ thống siêu thị đồ châu Á tại Pháp; giới thiệu và đề xuất các kênh phân phối tại Pháp tham quan, tìm hiểu tình hình sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, hướng tới mục đích kêu gọi đầu tư vào vùng trồng chất lượng, dây chuyền xử lý và bảo quản, bao bì,…; chú trọng cập nhật sự thay đổi về chính sách, nhu cầu của thị trường một cách liên tục…
Trân trọng cám ơn ông!