Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện chính sách về phát triển năng lượng
Chiều 6/6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 |
Theo ông Bùi Văn Cường, chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã nhận được 275/444 phiếu (chiếm tỉ lệ 61,94%).
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hộivề các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã nhận được 264/444 phiếu bình chọn (chiếm 59,46%).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhận được 244/444 phiếu (chiếm 54,95%).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 nhận được 150/444 phiếu (chiếm 33,78%).
Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1 và 2; chuyên đề 3 và 4 sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Đối với chuyên đề 1, theo Tổng Thư ký Quốc hội, hiệu quả của việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (61.94%). Kết quả kiểm toán, thanh tra về nội dung này sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở tiến hành giám sát tối cao một cách toàn diện hơn.
Hơn nữa, thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Do đó, việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn, góp phần định hướng giải pháp xây dựng và hoàn thiện hơn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đối với chuyên đề 2 về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, theo Tổng Thư ký Quốc hội, tiến độ triển khai thực hiện thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, cũng như triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn chuyên đề này để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao là rất cần thiết.
Đối với chuyên đề 3 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, một số ý kiến đề nghị lựa chọn chuyên đề này để Quốc hội giám sát tối cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc lựa chọn chuyên đề này để tiến hành giám sát trong năm 2023 là phù hợp, được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Căn cứ kết quả lựa chọn của các vị đại biểu Quốc hội, chuyên đề này sẽ được giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát và báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Đối với chuyên đề 4 về phát triển năng lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lựa chọn chuyên đề này có ý nghĩa quan trọng khi đất nước ta đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu đủ năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân, có giải pháp định hướng cho việc thực hiện chỉ tiêu phát thải ròng và đòi hỏi cấp thiết về việc chuyển đổi nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối…
Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết tại hội trường về nội dung này. Có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 89,98%), trong đó 440 đại biểu tán thành (chiếm 88,18%), 9 đại biểu không tán thành (chiếm 1,80%).