Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu
Xu thế chung của các nước trên thế giới
Chiều 14/10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu. Nhiều ý kiến nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang - Ảnh: QH |
Báo cáo tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh châu Âu; Đạo luật dữ liệu châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh châu Âu. Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Ở nước ta, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn.
Ông Lương Tam Quang cũng khẳng định rằng: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, ví dụ như: Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc.
Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước; từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực 4 mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số.
Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là động lực mới cho phát triển
Thẩm tra dự án Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, Ủy ban Quốc phòng an ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp - Ảnh: QH |
Đồng thời, tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần nghiên cứu và làm rõ việc nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành khai thác và sử dụng dữ liệu. Do vận hành khai thác dữ liệu không phải là vấn đề mới nhưng quy định tập trung thống nhất trong một đạo Luật lại là vấn đề mới trong hoạt động lập pháp của chúng ta.
Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế đặc biệt là nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam để làm cơ sở nghiên cứu học hỏi trong quá trình xây dựng dự án Luật này.
“Ngoài dữ liệu số, dữ liệu còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, chưa được số hoá. Vậy Luật này có điều chỉnh hay không? Việc quản lý, khai thác sử dụng các dữ liệu này hiện nay ra sao? Những loại dữ liệu nào vừa là công nghệ số, vừa tồn tại không công nghệ số thì có quy định ở Luật này không? Trường hợp các số liệu không khớp nhau thì xử lý như thế nào?”- bà Nguyễn Thị Thanh nêu vấn đề.
Cho hay hiện có 69 Luật có quy định về cơ sở dữ liệu, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm, do Luật này liên quan đến rất nhiều Luật hiện hành khác, cho nên cần tiếp tục rà soát, xử lý kỹ càng, tránh việc quy định không phù hợp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là dự án luật khó, tác động sâu sắc tới quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề mới đang hình thành phát triển. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật.
Ông Phương đề nghị tiếp tục rà soá, nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bởi dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là động lực mới cho phát triển nên cần có chính sách đặc thù vượt trội.