Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Công Thương: Tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Tại Hội thảo lấy ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 2/8 tại thành phố Đà Nẵng, các Đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp hoàn thiện dự thảo luật.
Sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết và cấp thiết để thúc đẩy thu hút đầu tư
Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng việc sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết và cấp thiết |
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Dầu khí ban hành năm 1993 (cùng các lần sửa đổi) và các văn bản liên quan đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động dầu khí nước ta hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay đã không còn phù hợp, thể hiện rõ nét nhất là môi trường đầu tư lĩnh vực dầu khí đang kém hấp dẫn. Vì vậy, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư.
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) – ông Lê Ngọc Sơn cho biết, thực tế trong 5 năm qua, công tác thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động dầu khí rất kém, kèm theo đó, gia tăng trữ lượng không đảm bảo, sản lượng liên tiếp suy giảm. Sản lượng khai thác năm 2004 là hơn 20 triệu tấn, đến nay còn hơn 9 triệu tấn, và có khả năng sang năm tiếp tục giảm.
Việc sửa đổi Luật Dầu khí là để tạo ra động lực tiếp theo về mặt cơ chế, thể chế, một hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả trong ngành Dầu khí để thúc đẩy ngành Dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng trong giai đoạn tới.
Đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí, Đại biểu Trần Chí Cường – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) phải dựa trên cơ sở đánh giá Luật Dầu khí 1993 và các lần sửa đổi bổ sung để sửa đổi Luật phù hợp với đặc thù trong tình hình mới, đảm bảo phục vụ cho Việt Nam khai thác tài nguyên hiệu quả, hợp lý; khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Khai thác và đảm bảo hiệu quả, bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Còn ông Phạm Đình Thanh - Đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum thì tán thành và ủng hộ Luật Dầu khí (sửa đổi) có xem xét sửa đổi quy định chính sách ưu đãi đối với các lô, mỏ dầu khí như dự kiến tại điều 47 dự thảo luật. Và cho rằng điều này sẽ giúp đẩy mạnh, thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, tăng tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phù hợp với chủ trương lớn của Đảng về định hướng phát triển ngành dầu khí cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động dầu khí.
Các Đại biểu Quốc hội góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) |
Băn khoăn vai trò, nhiệm vụ của Petrovietnam trong Luật Dầu khí (sửa đổi)
Chương 9, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam(Petrovietnam) trong hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Liên quan đến vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề có nên hay không đưa Petrovietnam vào trong Luật.
Theo đại biểu Trần Chí Cường – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cần phải xem xét đưa Petrovietnam vào trong Luật Dầu khí (sửa đổi).
“Có một số ý kiến cho rằng không khéo luật này sẽ phục vụ cho Petrovietnam. Đại biểu Quốc hội mong muốn ban soạn thảo làm rõ vấn đề này, đảm bảo minh bạch, rõ ràng bởi vì bản thân Petrovietnam cũng là một doanh nghiệp”, ông Cường nói và đặt vấn đề việc đưa quy định cụ thể của một tập đoàn vào một chương của luật có đồng bộ với luật hay không, hay tạo ràng buộc, không rõ ràng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Petrovietnam. “Tránh trường hợp giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp để có những vấn đề không kiểm soát được hoặc kiểm soát không đầy đủ sẽ gây thiệt hại lớn”, ông Cường nói.
Còn ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam thì cho rằng phải làm sao để thể hiện tối đa việc tự chịu trách nhiệm của Petrovietnam trong Luật.
Ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí & Than (Bộ Công Thương) khẳng định trong Luật Dầu khí (sửa đổi) đã quy định rõ ràng, cụ thể quyền, nghĩa vụ của PVN và chỉ liên quan đến nhiệm vụ của Chính phủ giao |
Xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) chặt chẽ, minh bạch
Tiếp thu các ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí & Than (Bộ Công Thương) đã thông tin làm rõ một số vấn đề nổi bật.
Liên quan đến sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) trong điều tra cơ bản của dầu khí, ông Sơn cho biết việc điều tra cơ bản là việc của Nhà nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí có hạn nên phải huy động xã hội hóa (đóng góp của Petrovietnam và các cơ quan khác). Nhưng sẽ phân định rất rõ phần việc nào của Nhà nước, doanh nghiệp.
Trước băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về hoạt động của Petrovietnam trong Luật, đại biện Bộ Công Thương khẳng định Bộ đã cân nhắc kỹ và thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của tập đoàn (thể hiện tại điều 53, điều 54) chỉ liên quan đến thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, chứ không phải thực hiện các nhiệm vụ chung. Trong vai trò nhà thầu thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn toàn bình đẳng so với các nhà đầu tư khác.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ giải quyết những vấn đề tồn tại, giúp ngành dầu khí Việt Nam phát triển |
Bổ sung làm rõ thêm vấn đề này trong kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận các ý kiến đóng góp trực tiếp cho dự thảo luật. Điểm lại các nội dung trao đổi chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thông tin rõ hơn đến các Đại biểu Quốc hội về đề lựa chọn nhà đầu tư đặc biệt. Theo ông Bảo, việc lựa chọn nhà đầu đặc biệt (chỉ định thầu) đã cân nhắc đến tính chủ động trong lựa chọn nhà đầu tư và xác định ưu tiên đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi thực hiện lựa chọn nhà thầu đặc biệt.
Về vai trò pháp lý của Petrovietnam trong Luật Dầu khí (sửa đổi), theo ông Bảo, vấn đề này đã được đề cập trong luật cũ. “Petrovietnam đại diện vai trò của nhà nước để thực hiện pháp luật dầu khí, hoạt động này phục vụ cho hoạt động dầu khí chứ không phải phục vụ cho tập đoàn dầu khí Việt Nam, là hoạt động do Chính phủ ủy quyền. Còn lại Petrovietnam hoạt động như những doanh nghiệp khác”, ông Bảo nhấn mạnh.
“Luật Dầu khí (sửa đổi) khi hoàn thiện sẽ giải quyết được những vấn đề tồn tại, giúp ngành dầu khí của Việt Nam phát triển; gắn liền với sự phát triển và tạo điều kiện cho tập đoàn dầu khí Việt Nam có thể đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.