Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp - Nhiều kết quả nổi bật
Ứng dụng CNSH trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Để triển khai các nội dung của Chương trình CNSH, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban điều hành “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực trong công tác điều hành, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, bám sát mục tiêu của chương trình, đảm bảo tạo ra sản phẩm có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn cao.Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cử cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn cao, phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thiện khung pháp lý về an toàn sinh học, phục vụ quản lý sản phẩm biến đổi gen; thẩm định, đánh giá hồ sơ và tư vấn cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận sản phẩm ngô biến đổi gen. Sự phối hợp giữa hai bộ đã giúp Bộ NN&PTNT thực hiện tốt chương trình và gặt hái được thành công.
Chương trình đã và đang triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu và sản xuất các enzyme tiêu hóa và probiotic. Kết quả, trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đã tạo được 2 chế phẩm probiotic cho lợn và gà, có tác dụng giảm tiêu tốn thức ăn 7,2%, giảm tỷ lệ bệnh đường tiêu hóa 31,2%; 1 chế phẩm đa enzyme tiêu hóa có tác dụng giảm tiêu tốn thức ăn 8,9-10,7%, đồng thời tạo được 5 chủng vi sinh vật tái tổ hợp và 1 chế phẩm enzyme có tác dụng tăng trọng lượng gà và lợn hơn 10%, giảm tiêu tốn thức ăn trên 15%. Các sản phẩm nghiên cứu tiếp tục được triển khai dưới dạng Dự án sản xuất thử nghiệm. Theo đó, đã sản xuất thử nghiệm chế phẩm probiotic dùng trong chăn nuôi PRO TM Swine và PRO TM Avian; 3.550 kg chế phẩm probiotic; phân phối 270 tấn thức ăn chăn nuôi đậm đặc có bổ sung probiotic trên thị trường. Chương trình cũng nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm ở quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh vật, các chế phẩm bảo vệ thực vật, phân bón có hiệu quả cao. Đã và đang triển khai 5 nhiệm vụ về nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh vật, xử lý phế thải chăn nuôi, phế thải chế biến cao su, tinh bột sắn, phế phụ phẩm rau quả… được ứng dụng có hiệu quả trên diện rộng tại địa bàn tỉnh Đăc Lăk và các tỉnh Tây Nguyên. Nghiên cứu và sản xuất 2 loại chế phẩm sinh học sử dụng trong bảo quản rau quả tươi, thực phẩm chế biến và 3 loại chế phẩm phòng trừ nấm mốc sinh độc tố và sản xuất được 300 tấn chế phẩm ứng dụng trong bảo quản, phòng chống alfatoxin và ochratoxin trên ngô, lạc, cà phê.
Ngoài ra, còn sản xuất protein thủy phân từ cá tạp và phế liệu trong nhà máy chế biến cá thu được 1.000 lít dịch, 1.006 kg bột đạm cho chăn nuôi; 155 lít dịch đạm, 100 kg bột thủy phân cho người. Đề tài được phát triển thành dự án với sản phẩm tập trung cho đồ ăn nhanh cho người; quy trình tách chiết collagen và tạo collagen thành phẩm dạng bột đạt tiêu chuẩn sử dụng cho ngành mỹ phẩm và thực phẩm. Đồng thời cũng chiết xuất được các hoạt chất sinh học sử dụng làm sản phẩm chức năng và trong y dược.
Để triển khai tốt hợp tác giữa hai Bộ, đảm bảo hiệu quả, phù hợp, đáp ứng mục tiêu giai đoạn 2016-2020, Bộ NN&PTNT kiến nghị, phối hợp chặt chẽ trong công tác đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong Chương trình CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến do Bộ Công Thương quản lý, đặc biệt ưu tiên những đối tượng chủ lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. |