Ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy: Cần hỗ trợ từ chính sách
Công suất vừa và nhỏ
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực… ngành giấy trong nước cần phải thay đổi công nghệ, thiết bị theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, loại bỏ dần các công nghệ thiết bị lạc hậu, kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường.
Áp dụng công nghệ cao cho ngành công nghiệp giấy còn gặp khó khăn |
Tuy nhiên, để định hướng giúp doanh nghiệp (DN) ổn định và phát triển trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách, quản lý cần có những cơ sở khoa học về lý luận, thực tiễn về xu hướng phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất của ngành giấy trên thế giới cũng như trong nước.
Nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp cao, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ "Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới".
Báo cáo trước hội đồng nghiệm thu đề tài mới đây, TS. Cao Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Chủ nhiệm đề tài - cho biết, mục tiêu chính của nhiệm vụ là xây dựng được cơ sở dữ liệu về hiện trạng công nghệ - thiết bị, thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy, từ đó đề xuất các định hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2030.
Từ các kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ, thiết bị và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao tại các DN sản xuất bột giấy, sản xuất giấy tissue, giấy bao bì, giấy in giấy viết trong nước cho thấy, ngành công nghiệp giấy Việt Nam có quy mô nhỏ, lạc hậu so với khu vực, có nhiều DN sản xuất nhưng phần lớn công suất vừa và nhỏ, chất lượng sản phẩm chỉ đạt ở mức trung bình, khá.
Hạn chế về tài chính
Thông qua việc triển khai nhiệm vụ, đã đề xuất được lộ trình áp dụng các công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, thân thiện với môi trường cho ngành công nghiệp giấy tới năm 2030; đề xuất một số giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao trong sản xuất giấy, bột giấy và các sản phẩm hóa chất phụ gia đến năm 2030.
Đáng chú ý, đã định hướng được một số ưu tiên ứng dụng và phát triển công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong sản xuất giấy gồm: Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nguyên liệu dăm mảnh gỗ, xử lý bột giấy; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản trị DN; ứng dụng các loại hóa chất, phụ gia mới nhằm tăng cường chất lượng các sản phẩm giấy; ứng dụng các vật liệu nano cho quá trình tráng phủ và xử lý bề mặt giấy…
Theo TS. Cao Văn Sơn, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, ngành giấy Việt Nam có triển vọng to lớn để mở rộng, phát triển sản xuất. Các DN có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin kinh tế, kỹ thuật công nghệ mới, có nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành.
Tuy nhiên, do phần lớn DN có công suất vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế nên việc áp dụng công nghệ cao cho ngành công nghiệp giấy trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, đặc biệt là hỗ trợ, ưu đãi cho các DN vừa và nhỏ để đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường còn hạn chế, khó tiếp cận.
Các DN có công suất dưới 10.000 tấn/năm chiếm trên 80% số lượng DN ngành công nghiệp giấy, nhưng tổng công suất chỉ chiếm khoảng 20% tổng công suất toàn ngành. |