Tỷ giá và lãi suất vẫn là thách thức lớn cho điều hành thị trường
Ba mảng chính của thị trường tài chính, ngân hàng đã được bàn thảo tại diễn đàn lần này, đó là bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018 và những nét chính trong 2019, củng cố nội lực hệ thống ngân hàng, và tương lai phát triển của hệ thống ngân hàng với những xu hướng lớn như tín dụng xanh, ngân hàng số...
Cần phải nâng cao vai trò của thị trường vốn để giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng |
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồngkhẳng định NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Thông tin về hoạt động điều hành thị trường của NHNN từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ- NHNN cho biết: khi bước vào 2019 việc để ổn định thị trường cần ổn định kì vọng mà muốn làm được điều này thì cần thuyết phục thị trường.
Đầu năm 2019 hàng loạt thách thức đặt ra như kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ Trung... làm cho dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Tuy nhiên trong bối cảnh đó thì Việt Nam vẫn có dòng vốn chảy vào do có kinh tế vĩ mô ổn định, có sự đánh giá rất tốt với thị trường. Sở dĩ có điều đó do NHNN chủ động trong điều hành, trong điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm để mở rộng biên độ cho thị trường biến động. Năm 2018 khi thị trường biến động mạnh, NHNN phải làm đồng thời là bám sát thị trường và điều chỉnh các công cụ, sẵn sàng điều chỉnh với các cú sốc... NHNN nhìn thấy quy mô và sẵn sàng điều chỉnh bằng các công cụ, trấn an tâm lý của thị trường. NHNN chủ động và đủ năng lực ứng phó.
Đánh giá về chính sách điều hành của NHNN, nhất là với tỷ giá và lãi suất, Chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành cho rằng, “NHNN đang thông minh lên". Sự “thông minh” ở đây, theo ông Thành, là NHNN đã tăng sự chủ động; ổn định kỳ vọng và kết hợp với sự khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ trơn tru, linh hoạt.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cũng nhận định, năm nay áp lực tỉ giá vẫn lớn, có vẻ có xu hướng tăng khi cuộc chiến tiền tệ chưa tới hồi kết. Nhưng đồng thời vẫn tin tưởng, “tỉ giá năm nay chỉ biến động, có thể có một số thời điểm khác nhưng chỉ khoảng 2%. Và đã đến lúc phải thực sự nhìn nhận một số vấn đề trong đó có lãi suất khó giảm thêm”.
Thông tin thêm về hoạt động ngoại hối, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, dự trữ ngoại hối rất ấn tưựng với giá trị tuyệt đối tăng lên, nhưng độ mở nền kinh tế lớn, XNK/GDP hơn 200%, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu. Do vậy, cần tiếp tục tích lũy dự trữ ngoại hối. Khi có điều kiện, NHNN sẽ mua vào ngoại tệ.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố từ thị trường tiền tệ thế giới lẫn bối cảnh trong nước có nhiều biến động, nhiều ý kiến quan ngại thanh khoản của hệ thống ngân hàng có thể căng thẳng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh khẳng định, thanh khoản của ngân hàng không căng thẳng vì chính sách tài khóa phối hợp nhịp nhàng củng chính sách tiền tệ.
Theo ông Tú Anh, dư địa chính sách tài khoá giảm đi do trần nợ công, vai trò chính sách tiền tệ ngày càng lớn. Thời gian qua, số dư kho bạc nhà nước đặt ra một số vấn đề cho NHNN, đặt ra sự phối hợp chặt chẽ giữa kho bạc và NHNN. Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, đặc biệt là kho bạc.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực đánh giá,hiện nay chính sách tiền tệ phải gánh quá nặng so với chính sách tài khóa.. Hệ thống ngân hàng, đang phải làm thay cho thị trường vốn có nhiệm vụ cung ứng vốn trung dài hạn. Hiện nay cho vay vốn trung và dài hạn chiếm khoảng 50-60%, đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng nhưng bản chất của NH chỉ là cho vay ngắn hạn. Do vậy, về dài hạn, cần phải nâng cao vai trò của thị trường vốn.